Tổng hợp về ĐỐI ÂM- Tiến Dũng
Xin chào quý khách! Đăng nhập Đăng kí

Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Đánh giá chủ đề:
  • 1 Votes - 5 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Tổng hợp về ĐỐI ÂM- Tiến Dũng
#1
Quyển sách "Đối âm" của tác giả Tiến Dũng là một tài liệu quý, riêng saomuc chỉ có bản photo đã cũ của sách, chất lượng hình ảnh rất kém, sau này có gì bất trắc thì mất đi một tài liệu quý, nên có dụng ý gõ lại cuốn sách này tại đây. Cũng là một cơ hội để lưu trữ, và hơn nữa, là để cho anh em tham khảo và tìm hiểu sâu hơn về thế giới muôn màu âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển.
-------------------------------------------
Xin lỗi anh em vì khả năng gõ nốt nhạc trên máy tính kém và dạo gần đây do bận việc gia đình và học hành nên mỗi ngày chỉ cố gắng được một chút. Hi vọng sẽ hoàn thành cuốn đối âm tập 1 của nhạc sĩ Tiến Dũng trong thời gian gần nhất.


ĐỐI ÂM

1/ Đối âm là do chữ La tinh "Contrapunctum". Contra là đối chọi, punctum là cái chấm. Tiếng La-tinh gọi dấu nhạc là cái chấm. Vậy contrapunctum có nghĩa là đối chọi từng dấu nhạc. Hoa ngữ dịch là đối vị, hoặc đối điểm. Chúng ta thường dịch là đối âm, có nghĩa là đối chọi âm thanh nọ với âm thanh kia. Nhưng sự thực, contrapunctum không phải là chỉ đối chọi từng dấu nhạc, từng âm thanh với nhau, mà là nhiều bè hát nhiều dòng ca đối chọi với nhau và tương phản với nhau, trong lúc chuyển về cùng một chiều hướng, một ý tưởng nào đó. Hiểu như vậy chúng ta có thể tạm định nghĩa đối âm như sau:

2/ Đối âm là liên hiệp nhiều dòng ca đối chọi, nhưng những dòng ca này vẫn phải tạo được một bản hòa âm hay, nghĩa là: một bản nhạc một bài ca có nhiều bè, bè trên, bè giữa, bè dưới.... đều phải là những dòng ca hay, uyển chuyển. Những dòng ca này phải khác nhau về nhịp điệu, về những khúc uốn lên, lượn xuống. Nhưng các bè đó vẫn hòa hợp với nhau thành một bản hòa âm đúng luật.

3/ Vậy hòa âm khác đối âm ở chỗ: mỗi một dấu nhạc của một hài thanh chuyển sang hài thanh sau cho đúng luật móc nối thế là đủ. Do đó nhiều khi chúng ta thấy có bè hòa âm, thường là bè 2 bè 3, nghĩa là bè ở giữa, đứng yên trên một dấu nhạc qua nhiều ô nhịp, trong móc nối đó gọi là móc nối hòa điệu.

4/ Trong những bài tập đối âm ở nhà trường, đã có một dòng ca cho sẵn gọi là ĐỀ. Học viên sẽ tạo nên một hay nhiều dòng ca khác bên trên hoặc bên dưới đề. Những dòng ca học viên tạo nên gọi là BÈ ĐỐI ÂM.

5/ Như đã nói ở trên, những bè đối âm này phải đối chọi, phải tương phản với nhau và với đề, nghĩa là phải khác nhau về nhịp điệu và những khúc uốn lên lượn xuống. Nhưng đối chọi không có nghĩa là đối nghịch, không có nghĩa là chắp nối những yếu tố khác biệt hẳn nhau, ở đây mỗi bè đối âm phải có một ý nhạc rõ rệt, ý nhạc này là ý nhạc phỏng diễn từ ý đề mà ra. Như vậy chúng ta có thể sánh đề như một ngọn đền mà những bè đối âm như những tia sáng do một ngọn đèn tỏa ra tứ phía. Những bè đối âm là những ý nhạc được phỏng diễn từ ý đề ra. nhưng không phỏng diễn theo chiều liên tiếp, mà phỏng diễn đồng thời, phỏng diễn cùng một lúc để tạo nên một vẻ đẹp đa diện, nghĩa là đối chọi ở nhiều bình diện khác nhau, chứ không ô hợp nhiều yếu tố phức tạp, khó hiểu. Để rõ ràng hơn nữa, chúng ta có thể so sánh bài đối âm như một bầy chim đang bay, mỗi con bay lượn lên xuống một kiểu, nhưng cùng nhau bay chung về một hướng.

6/ Thực tế đối âm không phải là đối chọi từng dấu nhạc, mà là đối chọi nhiều dòng ca, nên có sách giáo khoa đã đề nghị gọi đối âm là contramelodia.

7/ a. Đối âm cổ truyền là lối đối âm chúng ta thấy ở những bài thánh ca thế kỷ 13. Trong lối thánh ca này, các bè đối âm biệt lập nhau về nhịp điệu và cả về phương diện thang dấu, nghĩa là có khi bè I thuộc về một thang dấu, bè 2 bè 3 thuộc về thang dấu khác nhau. Dĩ nhiên đây là thang dấu thánh ca mà tiếng La tinh gọi là modus (cung cách) nên việc sắp xếp và chồng chất các thang dấu đó lên nhau càng dễ và càng tạo thêm vẻ phong phú.
b. Đối âm cổ điển là thứ đối âm duy nhất đã được xếp đặt thành hệ thống giáo khoa. Đối âm này được xây dựng trên quãng 3. Trong sách nhạc lý chúng tôi đã chứng minh quãng 3 bao gồm tất cả các quãng khác như màu trắng bao gồm các màu xanh đỏ vàng tím... loại đối âm này là loại đối âm viết cho tiếng hát, cho ca đoàn và đã tiến tới tuyệt đỉnh của nghệ thuật đối âm trong các bài đa âm của thế kỷ 15 và 16.
c. Đối âm hiện đại mệnh danh là đối âm đa âm thể. Theo ý chúng tôi đây chẳng qua là lối trở về nguồn. ĐỐi âm cổ điển đã khai thác kỹ lưỡng thang dấu trưởng và thứ và khai thác qua loa vài thang dấu thánh ca, nay hết chất liệu lại muốn quay về khai thác đối âm cổ truyền, ngày xưa đã khởi công khai thác nhưng bỏ dở.
d. Đối âm Việt Nam. Chúng tôi hy vọng học viên sau khi đã thu lượm được kỹ thuật Âu Châu, sẽ cố gắng đem những kỹ thuật đó khai triển những nét độc đáo, những tinh hoa của nhạc cổ truyền Việt Nam. Thí dụ nhạc cổ truyền Việt Nam ưa dùng quãng 7 thứ, hoặc đi một bước (rê, đô), hoặc đi 2 bước (như son, đô, la) hoặc ưa trải dấu hài thanh 7 thứ như : rê- pha- la-đô. Có khi dùng thang dấu đặc biệt, như thang dấu thiếu nửa cung như mi-pha hay si-đô hoặc dòng ca tiềm ẩn những hài thanh rất lạ.

8/Trong kinh nghiệm dạy đối âm cho những học viên Việt Nam, tôi nhận thấy rằng: bởi lẽ người Việt mình ít nghe và ít hát những bài đối âm nên đối với các học viên Việt Nam, đối âm hơi xa lạ hoặc quá xa lạ, do đó học viên lĩnh hội chậm và ít kết quả (có một số tu sĩ Công giáo đã hát nhiều bài thánh ca đa âm La tinh nên hiểu đối âm dễ dàng hơn). Để chuẩn bị học đối âm, chúng tôi khuyên học viên tham gia những lớp hợp ca hoặc chơi những bản nhạc của Bach, hay ít nhất là nghe đĩa hát về các bài đa âm, những bản Cantata của Bach.

9/Chúng ta phải học toàn bộ hòa âm, hoặc một phần hòa âm mới bắt tay được vào việc học đối âm. Đang ở lãnh vực hòa âm bước sang lãnh vực đối âm, chúng ta sẽ gặp những phản ứng đột ngột, bởi lẽ đối âm là một thứ nghệ thuật tinh tuyền, gột rửa khỏi những bụi bặm, những điều nham nhở như:
- dòng ca quá thôi thúc với những dấu nhấn mạnh.
- thể đảo 2 của hài thanh hoàn bị hoặc hài thanh 5 giảm. Thể đảo hai của hài thanh thường đưa tới công thức giải kết phức tạp kiểu hai. Công thức giải kết này có vẻ nghi lễ, nghĩa là thiếu thành thực, không phù hợp với nhạc ngữ chân thành của đối âm.
- Quãng 6, nhất là quãng 6 trưởng, bước lẹ, thường gây nên cảm giác phóng túng trong dòng ca v.v....
Phản ứng nữa là khi mới bước sang đối âm, ít thấy nói tới thang dấu trưởng, thứ, bởi lẽ trong giữa bài đối âm, đôi khi có dính dấp tới thang dấu thánh ca, hoặc thang dấu thứ nhân tạo không có dấu chuyển âm, nên không thể nói đến những hòa thanh bậc I, bậc IV, bậc V.... Hơn nữa, lúc ban đầu chỉ có đối âm 2 bè, nên mình chỉ cần dùng những quãng hòa điệu cho đúng quy luật ban đầu của đối âm là được.

10/Phân loại:
a/ Đối âm đơn thuần (contrapuncto semplice) từ 2 tới 8 bè. Là khi bè nào là bè 1, 2 ,3, 4 .... thì cứ là bè 1, 2, 3 ,4.... mãi mới đúng luật hòa âm và đối âm. Có 5 kiểu.
b/ Đối âm đảo lộn (contrapuncto reversibila: dopple, tripple, quadruple) là khi đảo bè trên xuống bè dưới và bè dưới lên bè trên, mà bài đối âm vẫn đúng luật hòa âm và đối âm. Có đối âm đảo lộn 2, 3, 4 bè và đảo lộn ở quãng 8, 9, 10, 11, 12....
#2
MẤY QUY LUẬT TỔNG QUÁT VỀ ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN

11/ Đối âm đơn thuần được xây dựng trên một nhạc đề duy nhất cho sẵn chúng ta tạo nên một hay nhiều bè đối âm bên trên hay bên dưới đề cho sẵn đó.

12/Đối âm là do lối soạn nhạc đặc biệt của thánh ca mà phát sinh ra nên các nhạc sĩ thường lấy những nhạc đề của thánh ca làm đề tài cho bài đối âm của mình. Và cũng vì thánh ca có rất nhiều nhạc đề hay, phong phú về ý nhạc nên cho tới ngày nay các nhạc viện vẫn còn lấy nhạc đề của thánh ca làm đề đối âm cho học viên thực tập. Điều này rất hợp thời và là lý do mạnh để khuyến khích chúng ta học đối âm. Tại sao vậy? Có người cho rằng kỹ thuật âm nhạc tân thời đang mở ra những chân trời mênh mông, nên cần chi mất giờ quay trở lại với những kĩ thuật đối âm, tẩu pháp cũ rích. Chúng tôi xin thưa: nhạc cổ điển đã khai thác triệt để hệ thống thang dấu trưởng, thứ, nay hết chất liệu; trở về khai thác các thang dấu phong phú của thánh ca, tới nay chưa được khai thác đúng mức. Đó là chiều hướng nhạc tân thời. Bởi vậy, học đối âm với thang dấu thánh ca... không phải là đi giật lùi, mà là tiến về tương lai.

13/Chung kết của bài đối âm. Theo nguyên tắc đối âm cổ điển là cần tuyệt đoạn với đối âm cổ truyền, nghĩa là từ bỏ lối đối âm dùng thang dấu thánh ca để đi tới lối đối âm dùng thang dấu trưởng, thứ có dấu chuyển âm đi lên dấu định âm. Nhưng trong thực tế, vì lý do vừa nêu lên trong số 12: giữa bài đối âm cổ điển, có lúc nhạc sĩ còn dính dấp với thang dấu thánh ca, thí dụ một bài đối âm có lúc dùng si giáng, có khi dùng si không giáng rồi kết bài ở dấu rê, hoặc dấu pha, hoặc dấu la. Hoặc một bài đối âm, lúc dùng thang dấu thứ tự nhiên, khi dùng thang dấu thứ nhân tạo. Tuy nhiên để phù hợp với nguyên tắc thang dấu trưởng thứ, thì bao giờ tới cuối bài đối âm gọi là chung kết, tác giả cũng cố gắng cho một bè nào đó của dối âm dùng dấu chuyển âm đi lên dấu định âm. Do đó, trong những bài tập đối âm chúng ta phải kết bài theo kiểu này:
(ví dụ bổ sung sau 1)

Tuy nhiên, nếu bài đối âm kết ở dấu mi, mà trong suốt bài đối âm không bao giờ có dấu pha thăng, điều này bảo cho chúng ta hay là bài đối âm phải viết hoàn toàn theo thang dấu thánh ca, do đó chung kết bài đối âm không cần, và không được dùng dấu chuyển âm đi lên dấu định âm. Như vậy khi viết bài đối âm theo thang dấu không có dấu chuyển âm đi lên dấu định âm, sẽ gợi lên cảm giác thoang thoảng của âm nhạc cổ truyền VIỆT NAM hoặc âm nhạc Á CHÂU.
(ví dụ bổ sung sau 2)

14. Các quy luật về quãng ca điệu và hòa điệu trong hòa âm, thì nay phải áp dụng một cách nghiêm khắc hơn trong đối âm, nghĩa là:
A. Về quãng ca điệu:
a/ Không được dùng những quãng 7,9,10 trở lên
b/ Không được dùng những quãng tăng, giảm. Trừ quãng 5 giảm đi xuống, miễn là sau quãng 5 giảm, dòng ca phải đi lên 1/2 cung.
c/ Không được dùng 1/2 cung nhân tạo, nhất là khi bước lẹ.
(ví dụ bổ sung sau 3)
d/ Khi dùng quãng 6, thì phải bước chậm, không được bước lẹ. Tuy nhiên chỉ được dùng quãng 6 trưởng đi xuống, còn quãng 6 thứ có thể đi lên hoặc đi xuống.
(ví dụ bổ sung sau 4)
e/Cũng như trong hòa âm, không được bước hai bước tới một quãng 7 như:
(ví dụ bổ sung sau 5)
Nên nhớ: nhạc cổ truyền Việt Nam ưa dùng quãng 7, bước một bước hoặc bước 2 bước. Chúng ta lưu ý điểm này để sau này đem áp dụng, để hy vọng đem lại bộ mặt Việt Nam và bộ mặt tân thời cho đối âm.
(ví dụ bổ sung sau 6)

B. Về quãng hòa điệu:
a/ Không được đi cùng chiều tới một quãng 5 mà cả hai bè cùng cách bậc. Tuy nhiên được đi cùng chiều tới một quãng 5 mà một bè, nhất là bè trên, đi liền bậc. Đi ngược chiều tới một quãng 5 là điều không bao giờ bị cấm.
b/ Không được đi cùng chiều tới một quãng 8 mà cả 2 bè cách bậc. Tuy nhiên được đi cùng chiều tới một quãng 8 mà bè trên đi liền bậc, nhất là liền bậc 1/2 cung.
c/ Không được dùng nhiều quãng 5 đi theo liền nhau, dù là một quãng đúng nối đến một quãng 5 giảm, hoặc là những quãng 5 theo nhau cùng chiều hoặc ngược chiều, liền bậc hay cách bậc. Cũng không được dùng nhiều quãng 8 đi theo liền nhau, dù là cùng chiều hay ngược chiều, liền bậc hay cách bậc.
d/ quãng 2, 4, 7, 9, 11...và những quãng tăng, quãng giảm, là những quãng nghịch, phải dùng với những điều kiện nói sau.

15. Vì cần phải tạo nên những dòng ca xuôi chảy, nên một đôi khi chúng ta được chéo bè. nghĩa là bè trên có thể lúc lượn xuống thấp hơn bè dưới, hoặc bè dưới có khi lượn lên cao hơn bè trên
(ví dụ bổ sung sau 7)

Các bè nên đi ngược chiều, hoặc đi xiên, để tạo nên sự tương phải và đỡ sai luật hòa âm và đối âm
(ví dụ bổ sung sau 8)

16. Không nên để các bè xa nhau quá hoặc lúc quá gần, lúc quá xa. Hai bè kế cận chỉ có thể cách nhau quá lắm là quãng 10.
(ví dụ bổ sung sau 9)

17. Đối âm đơn thầun viết cho ca đoàn thường là viết theo nhịp hai với đơn vị nhịp điệu là dấu phân nửa. Đối âm đảo lộn có thể dùng nhịp ba và nhịp bốn. Sau này khi sáng tác chúng ta có thể dùng cả nhịp năm, nhịp bảy với đơn vị là dấu phần tư, phần tám tùy ý.

18. Để giữ bộ mặt nghiêm chỉnh, đối âm thường không dùng 4 dấu nhạc phần tám đi theo liền nhau.

19.Về các hài thanh được dùng trong đối âm.
Trong đối âm hai bè, chúng ta chưa cần nghĩ tới các hài thanh, chỉ cần nghĩ tới các quãng hòa điệu là đủ. Khi bước sang thực hành đối âm ba bè lúc đó chúng ta phải nghĩ tới các hài thanh. Bây giờ chúng tôi xin nói tổng quát về các hài thanh dùng trong đối âm:

a/ Đối âm dùng tất cả các hài thanh hoàn bị trưởng và thứ, ở thể tự nhiên và thể đảo một. Trừ thể đảo hai, chỉ khi nào có lý do đặc biệt lắm mới được dùng. Lý do đặc biệt trong đối âm thường là muốn hy sinh một vài nguyên tắc, cốt ý để giúp các bè hát tạo được dòng ca hay. Khi có lý do đặc biệt để dùng thể đảo 2 thì dùng như HT 6/4 chuyển tiếp ở thì yếu và chuyển hành lẹ, hoặc dùng HT 6/4 trên bè trầm kéo dài như trong hòa âm, hoặc HT 6/4 trong giải kết.
(ví dụ bổ sung sau 10)
b/ Được dùng hài thanh 7 đủ loại, ở thể tự nhiên, thể đảo 1, và thể đảo 3. Trừ thể đảo 2 (6/4), với điều kiện phải đón trước rào sau kỹ lưỡng. Phải đón trước cả dấu 7 của hài thanh V7.
c/ Hài thanh 7 đủ loại vừa nói ở trên phải hiểu là những HT tự nhiên, trừ HT 7 trưởng, HT 7 thứ, HT V7, HT VII7 thứ, còn HT 7 giảm chỉ được chấp nhận trong các bài tẩu khúc chứ không được dùng trong đối âm. Tuy nhiên, trong những trường hợp khó khăn, như trong đối âm 8 bè, đối âm cho 2 ca đoàn, đối âm đảo lộn 3 bè, chúng ta có thể dùng HT 7 giảm như trường hợp đặc biệt.
d/ Đối âm được dùng HT 5 giảm, như chỉ dùng ở thể đảo 1.
e/ Đối âm không được dùng HT 5 tăng ở bất cứ thể nào. Thiết nghĩ chúng ta có thể dùng HT III tăng của thang dấu thứ, ở thể đảo 1 và ở ngay trước HT VT như thí dụ bên đây:
(ví dụ bổ sung sau 11)

20. Bài đối âm thường viết các bè theo các chìa khóa khác nhau:
(ví dụ bổ sung sau 12)
Chúng tôi cũng đã làm các bài tập đối âm theo 4 chìa khóa đó. Chúng tôi nhận thấy chúng ta rất chóng quen với các chìa khóa khác nhau và có thể cùng một lúc đọc dễ dàng cả bốn bè viết theo 4 chìa khóa khác nhau. Viết theo các chìa khóa khác nhau có cái lợi là khi một bè nào ra ngoài tầm cững tiếng, chúng ta trông thấy ngay. Hoặc khi có những trường hợp chéo bè thì viết cũng dễ.
Nhưng viết theo 4 chìa khóa hơi tốn giấy, hơn nữa nếu chúng ta chóng quen với 4 chìa khóa, thì khi bỏ 4 chìa khóa ít bữa chúng ta lại quên ngay. Hiện nay chúng tôi thấy nhà xuất bản Psalteritim Ý-đại -lợi đã xuất bản các bài đối âm theo hai chìa khóa son và pha. Vậy trong những bài đối âm, nếu chúng ta muốn tiết kiệm giấy, chúng ta có thể chỉ viết theo hai chìa khóa sol và pha., với điều kiện phải đề rõ tên các bè ngay từ lúc đầu.

21/Có 5 kiểu đối âm đơn thuần:
a. Kiểu 1: một dấu nhạc bè này đối với một dấu nhạc bè kia
b. Kiểu 2: hai dấu nhạc bè này đối với một dấu nhạc bè kia
c. Kiểu 3: bốn dấu nhạc bè này đối với một dấu nhạc bè kia
d. Kiểu 4: kiểu ngoại nhịp
e. Kiểu 5: kiểu hoa mỹ






#3
ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ KIỂU I

22. Đề gồm nguyên dấu nhạc trọn, chúng ta sẽ làm một bè đối âm ở bên trên hoặc bên dưới đề và cũng gồm nguyên những dấu nhạc trọn.

23/ Quãng hòa điệu.
a/ Nên bắt đầu bằng quãng 1 hoặc quãng 8 và đôi khi bằng quãng 5.
-Phải kết bài bằng quãng 1 hoặc quãng 8.
-Nếu kết bắt đầu bằng quãng 5, thì phải để dấu định âm ở bè dưới.
-Nếu kết bắt đầu bằng quãng 1 thì phải có quãng 3 đi trước.
-Nếu kết bằng quãng 8 thì phải có quãng 6 hoặc quãng 10 đi trước.
(ví dụ bổ sung sau 13)

b/ Giữa bài: Trong đối âm kiểu 1, chỉ được dùng nguyên quãng thuận.
-Nên dùng quãng 3 và quãng 6 là hai quãng hòa điệu rất êm tai đầy đặn. Tuy nhiên không nên dùng quá ba quãng 6 hoặc quãng quá ba quãng 3 đi theo liền nhau.
-Không nên dùng quãng 8 hoặc quãng 1 là những quãng hòa điệu hoàn bị, nên hơi rỗng, không đầy đặn mấy. Quãng 5 là quãng hoàn bị thuận, nhưng đầy đặn hơn hai quãng 1 và 8 nên cũng có thể được sử dụng.

24. Tránh lặp lại một dấu nhạc nhiều lần liền nhau. Tuy nhiên có thể được lặp lại một lần. Cũng không nên lặp lại cùng một công thức dòng ca nhiều lần.
(ví dụ bổ sung sau 14)

25. Chúng ta nên nhớ: mỗi bè đối âm càng đi liền bậc thì dòng ca càng phong phú, càng đậm đà.

26. Trong bai đối âm 2 bè, nên tránh chéo bè, trừ khi là hai bè cùng loại.

27. Trong bài đối âm 2 bè, không nên dùng hai be cách nhau quá xa như bè soprano với basso. Chỉ nên dùng hai bè đồng loại hay hai bè kế cận.
(ví dụ bổ sung sau 15)
Hai bè chỉ nên cách nhau quá lắm là quãng 8 hoặc quãng 10. Tuy nhiên nếu là hai tiếng khác loại có thể cách xa hơn, miễn là không ra ngoài tầm cữ tiếng.
(ví dụ bổ sung sau 16)

Bài mẫu:
(ví dụ bổ sung sau 17)

Chú thích:
-Chúng ta nhớ đánh số các quãng nhạc để dễ bề kiểm soát.
-Với một đề bài cho sẵn, chúng ta thường phải làm hai bài đối âm, một bài làm bè đối âm bên trên đề, một bài làm bè đối âm bên dưới đề. Do đó có khi chúng ta phải chuyển đề lên, hoặc xuống một quãng 8 để các bè đối âm khỏi ra ngoài tầm cữ tiếng.

Bài tập số 1: Với mỗi đề sau đây, bạn làm hai bài đối âm hai bè kiểu 1.
(ví dụ bổ sung sau 18)

Để rút tỉa kinh nghiệm, bạn hãy phân tách mấy bài đối âm sau đây bằng cách đánh số các quãng nhạc. Đoạn bạn lấy đề của các bài đó làm thành những bài đối âm khác.
(ví dụ bổ sung sau 19)

Chú thích:
a/ Như chúng ta đã thấy, mục đích đối âm là giúp chúng ta tạo những dòng ca hay, những bè hát uyển chuyển. Như vậy có thể nói được rằng đối âm là lối đưa chúng ta vào con đường sáng tác âm nhạc. Do đó mỗi khi làm xong bè đối âm cho đúng các quãng chúng ta còn phải hát đi hát lại, hoặc đàn đi đàn lại bè đối âm chúng ta vừa làm xem có xuôi chảy lưu loát không. Nếu không chúng ta dẹp đi, làm lại bài hát hay hơn.
Chúng ta xem bài đối âm sau đây, các quãng nhạc đều đúng nhưng bè đối âm hát lên, không nghe ra sao cả.
(ví dụ bổ sung sau 20)

b/ Khi phải dùng những dấu hóa tạm thời trong bè đối âm, chúng ta nhớ áp dụng những điều đã học ở hòa âm.
(ví dụ bổ sung sau 21)


ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ KIỂU 2

28. Đề gồm nguyên những dấu nhạc trọn. Chúng ta làm một bè đối âm gồm nguyên dấu nhạc phân nửa.

29. Từ kiểu này trở đi, bè đối âm thường vào sau. Sự việc các bè vào trước vào sau là yếu tố đầu tiên để gây nên sự đối chọi và tương phản. Về vấn đề các bè vào trước vào sau, có tác giả cho rằng: mỗi khi một bè nào vào thì phải vào ở nhịp yếu. Chúng tôi nghĩ rằng các bè đối âm có thể lần lượt vào ở nhịp yếu hoặc nhịp mạnh có khi bắt buộc phải vào ở nhịp mạnh như ở những bài luân khúc, bởi vì đến lượt bè nào vào thì bè đó vào, bất chấp ở nhịp yếu hay nhịp mạnh. Vấn đề chia thành ô nhịp và phân ra nhịp mạnh, nhịp yếu là vấn đề mới, có tính cách thực hành, chủ đích giúp cử hành bài ca, bản đàn nhiều bè cho dễ hòa hợp với nhau. Nếu chúng ta nhấn mạnh tới vấn đề nhịp mạnh yếu, thì vấn đề trở nên phản nghệ thuật. Những bản nhạc ngày xưa có chia thành ô nhịp đâu. Các tác giả hiện đại nhiều khi viết nhạc, không chia thành ô nhịp để nói lên tính cách uyển chuyển, linh động của nhịp điệu trong bài đối âm kiểu này, bè đối âm vào sau một nhịp.

30. Quãng hòa điệu:
a/ Nên bắt đầu bằng quãng 1 hoặc quãng 8, hoặc đôi khi bằng quãng 5 như đối âm đơn thuần kiểu 1.
b/ Ở giữa bài:
- Ở nhịp mạnh thì dùng quãng thuận.
- Ở nhịp yếu có thể dùng quãng nghịch, miễn là phải đi liền bậc trước và sau dấu nghịch đó. Dấu nhạc nghịch này phải là dấu nối chứ không được là dấu lượn. Còn nếu ở nhịp yếu mà đi cách bậc lúc đó phải dùng quãng thuận.
-Được dùng quãng 8 ở nhịp yếu, và không được dùng ở nhịp mạnh. Tuy nhiên không được dùng quãng 8 ở nhiều nhịp yếu gần nhau. Cũng như không được dùng quãng 5 ở nhiều nhịp mạnh gần nhau, hoặc ở nhiều nhịp yếu gần nhau.
c/ Kết bài: ở quãng 1 hoặc ở quãng 8, như mấy công thức sau:
(ví dụ bổ sung sau 22)

31. Được lặp lại dấu nhạc một lần, nhưng không được lặp từ ô này qua ô kia

32. Tránh lặp lại công thức dòng ca, như đã nói ở số 24. Cũng tránh chéo bè như đã nói ở số 26.
Bài mẫu:
(ví dụ bổ sung sau 23)

Chú thích:
Trong bài mẫu trên đây chúng ta đã thấy quãng 5 ở hai nhịp yếu gần nhau. Đó là trường hợp ngoại lệ. Cũng như trường hợp ngoại lệ trong bài đối âm của Cherubini chúng tôi ghi chép sau đây. Trong bài đối âm đó, Cherubini đã dùng quãng nghịch và cả quãng 8 ở nhịp mạnh và dùng cả dấu lượn. Những trường hợp ngoại lệ chỉ xảy ra vì lý do đặc biệt. Lý do đặc biệt số một trong đối âm là: chúng ta đôi khi có thể vượt ra ngoài một vài điều cấm đoán để dễ thực hiện một bè hát hay, lưu loát uyển chuyển. Như chúng tôi đã trình bày trong số 27: chúng ta không nên thực hiện bài đối âm hai bè ở hai bè xa nhau quá như bè soprano và basso. Tuy nhiên bài đối âm sau đây của Cherubini lại dành cho soprano và basso. Đứng về phương diễn xướng hát thì hơi loãng nhưng về phương diện làm bài tập đối âm thì lại dễ, vì hai bè xa nhau chúng ta dễ xoay sở.
(ví dụ bổ sung sau 24)

BÀI TẬP SỐ 2
-Trước hết bạn phân tách các bài sau đây bằng cách đánh số các quãng nhạc và nói lên nhận xét.
-Đoạn bạn lấy đề của các bài đối âm đó để làm những bài đối âm mới hai bè kiểu 2.
-Sau cùng bạn lấy mỗi một đề của bài tập số một để làm hai bài đối âm hai bè kiểu hai.
(ví dụ bổ sung sau 25)

Sau khi đã phân tích 8 bài mẫu, chúng ta nhận thấy bè đối âm:
1/ cố gắng đi liền bậc
2/ cố gắng tránh trải dấu
3/ cố tránh đi quãng 6
4/ cố tránh đi quãng 7 bằng hai bước
5/ tránh lặp lại dấu nhạc, khia nào cần phải lặp lại thì lặp lại ở giải kết.
6/ tránh quá nhiều quang 6 hòa điệu theo nhau như:
(ví dụ bổ sung sau 26)
7/ tránh nhiều quãng 3 và quãng 2 theo nhau như:
(ví dụ bổ sung sau 27)
8/ nhớ luôn quãng 5 giảm là quãng nghịch chỉ được dùng ở nhịp yếu và phải đi liền bậc trước sau.

+Tập làm bài ca hai bè:
- Sau khi đã làm những bài tập đối âm kiểu 2, 3, 4, 5 bạn thử đặt lời ca Việt ngữ vào bè đối âm.
-Bạn nhớ đặt dấu bằng, trắc, huyền, hỏi, lên xuống cho thật đúng với dấu nhạc, để khi hát lên sẽ nghe rõ từng chữ chứ không nghe lớ lớ, hoặc dấu sắc nghe ra dấu huyền.
-Bạn nhờ mấy anh em bạn hát: phần đề đối âm thì ngân theo chữ ô, u, a gì đó. Phần đối âm thì hát theo lời ca bạn đã đặt.
-Bạn nghe đi nghe lại bài hát đối âm đã sáng tác. Đó là phương cách huấn luyện phương cách sáng tác của bạn
+Tìm khuyết điểm trong những bài đối âm sau:
(ví dụ bổ sung sau 28)

#4
ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ KIỂU 3

33/ Đề gồm nguyên những dấu nhạc trọn, bè đối âm gồm nguyên những dấu nhạc phần tư.

34/ Bắt đầu bằng quãng 1, 8 hoặc 5. Như đã nói ở số 29, bè đối âm phải vào sau, bởi vì đơn vị nhịp điệu là dấu phân nửa, nên bè đối âm vào sau một nửa nhịp.

35/ Kết ở quãng 1 hoặc quãng 8. Trong loại đối âm đơn thuần hai bè kiểu 3, còn có thể kết ở quãng 3 hoặc quãng 6. Nếu kết ở quãng 3, dấu định âm phải ở bè dưới. Nếu kết ở quãng 6, dấu định âm phải ở bè trên.
(ví dụ bổ sung sau 29)

Chú thích về các giải kết.
1/ Muốn đi đúng với nguyên tắc số 13 thì chúng ta phải liệu sao cho công thức giải kết đối âm kiểu này thể hiện được công thức hòa âm V-I hoặc VII-I
a, b: (ví dụ bổ sung sau 30)
c:
-Do đó chúng ta không phải nhận GK 9 vì nó thực hiện công thức hòa âm III-I
-Và tạm chấp nhận GK 11 vì nó thực hiện công thức hòa âm: VII7-I
(ví dụ bổ sung sau 31)

2/ Những dấu lượn nghịch trong GK 6.7.18 cũng được chấp nhận dễ dàng.

36. Trong giữa bài đối âm, như chúng ta đã thấy trong kiểu 3, cứ 4 dấu nhạc của bè đối âm lại đối chọi với một dấu nhạc đề. Vậy trong 4 dấu nhạc đó, dấu đầu bao giờ cũng phải tạo nên quãng hòa điệu thuận, 3 dấu tiếp theo sẽ thay đổi nhau tạo nên quãng thuận hay quãng nghịch. Nghĩa là không bao giờ được dùng hai quãng nghịch đi theo liền nhau. Đó là trường hợp các dấu nhạc đi liền bậc, còn trường hợp các đấu nhạc này đi cách bậc, thì phải dùng nguyên quãng thuận.

37/ Không được dùng đồng âm ở nhịp thứ nhất. Nhưng có thể được dùng ở nhịp yếu. Tránh đi tới đồng âm bằng nửa cung.
(ví dụ bổ sung sau 32) Nhưng có thể rời khỏi đồng âm bằng nửa cung

38. Nếu phải dùng quãng 8, chỉ nên dùng ở nhịp yếu. Nên nhớ là không được dùng nhiều quãng I, hoặc nhiều quãng 8 ở những nhịp yếu gần nhau.

39. Cũng không được dùng quãng 5 ở nhiều nhịp mạnh gần nhau, hoặc ở nhịp yếu gần nhau.
(ví dụ bổ sung sau 33)
Trong trường hợp dấu lượn, thì được dùng quãng 5 ở những nhịp yếu, hoặc nhịp mạnh gần nhau.
Vậy để khỏi sai luật về việc dùng nhiều quãng 1 hoặc nhiều quãng 8 hay nhiều quãng 5 đi theo liền nhau, chúng ta cứ để cách 4 dấu nhạc ở giữa hai quãng 5. hoặc ở giữa hai quãng 8 hoặc ở giữa 2 quãng 1 là chắc ăn.
(ví dụ bổ sung sau 34)

40. Phải tránh việc trải dấu. Như đã trình bày trong sách hòa âm: nếu chúng ta cử tất cả các dấu nhạc của một HT trong cùng một lúc, khi đó gọi là HT rạp dấu. Trái lại nếu chúng ta lần lượt cử từng dấu nhạc của HT dấu nọ sau dấu kia, lần lần như trải chiếu. Lúc đó gọi là HT trải dấu.
(ví dụ bổ sung sau 35)

41. Chúng ta không nên đổi HT trong thời gian một nhịp. Trong thí dụ bên đây, quãng 5 pha đô thuộc về HT pha-la-đô. Còn quãng 6 mi-đô thuộc về HT đô-mi-son.
(ví dụ bổ sung sau 36)

42. Khi hai bè đứng cách nhau quang 3 ở cuối ô trước, thì 2 bè cũng không nên bước quãng 3 sang đầu ô sau. Vì như vậy là chúng ta dùng một HT ở cuối ô trước và đầu ô sau, là điều chúng ta đã không được làm trong hòa âm.
Cũng vì lý do đó, khi hai bè đứng cách nhau quãng 6 ở cuối ô trước, thì chúng ta nên tránh cho cả hai bè chuyển hành quãng 3 sang đầu ô sau.
(ví dụ bổ sung sau 37)

43. Trong trường hợp ngoại lệ, cũng chỉ vì muốn tạo nên dòng ca hay uyển chuyển, nên chúng ta có thể dùng dấu thoát, và chỉ nên dùng ở bè trên. Dấu thoát là dấu nhạc tạo nên quãng nghịch, trước dấu nghịch đó thì đi liền bậc, còn sau đó lại đi cách bậc.

(ví dụ bổ sung sau 38)

44. Về vấn đề chéo bè, chúng ta thực hiện như đã nói về đối âm kiểu 1 và kiểu 2. Trong kiểu này, nếu bè đối âm chuyển hành quãng 8, chúng ta càng có lý do để chéo bè.
(ví dụ bổ sung sau 39)

45. Trong bài đối âm kiểu này, bè hát đã bắt đầu chạy nhanh hơn, do đó càng nên tránh chuyển hành quãng 6, dù là quãng 6 thứ.

46. Được lặp lại dấu nhạc một lần. Nhưng tránh lặp lại nhiều lần nhất là tránh lặp lại công thức dòng ca.

47. Ba cung nhạc đi lên hoặc đi xuống liền nhau mà không có dấu nào đi liền trước hoặc sau ba cung đó, thường tạo nên một dòng ca cứng cỏi khó nghe. Chúng ta nên tránh kiểu đó.
Nên tránh:
(ví dụ bổ sung sau 40)
Hay hơn:
(ví dụ bổ sung sau 41)

48. Đôi khi chúng ta cũng được dùng dấu hóa, nhất là để tránh ba cung đi liền nhau như vừa trình bày, hoặc để tránh những quãng bị cấm, như quãng tăng, quãng giảm:
(ví dụ bổ sung sau 42)-Quãng 5 đúng thay vì quãng 5 giảm

Nhưng không được dùng dấu hóa có thể làm cho dòng ca đi trật ra ngoài thang âm hoặc tạo nên sự chuyển thể vô lý. Thí dụ:

(ví dụ bổ sung sau 43)

Những dấu Sib.Pha#.Mib ở các điểm a,b,c chủ đích để tránh quãng 4 tăng, quãng 5 giảm và quãng 2 thứ thì lại cho chúng ta cảm giác của thang âm son thứ, trong lúc đề ở thang âm La thứ. Hơn nữa Sib và Pha# nghịch hẳn với Si và Pha của đề ở sát ngay bên nhau.

49. Dấu nhạc đi lên rồi đi xuống liền bậc, hoặc đi xuống rồi đi lên liền bậc, gọi là dấu lượn.
a/ Được dùng dấu lượn, nếu dấu đó tạo nên quãng thuận.
b/ Nên tránh khi dấu lượn tạo nên quãng nghịch.
c/ Dùng đồng âm, nghĩa là quãng 1, lại càng không được dùng dấu lượn.

(ví dụ bổ sung sau 44)

50. Những công thức dòng ca sau đây thường được dùng trong đối âm kiểu 3:

(ví dụ bổ sung sau 45)

BÀI TẬP SỐ 3:
1/ Bạn có biết tại sao hai giải kết (a) và (b) sau đây không được chỉnh và như vậy không được dùng. Và bạn có biết tại sao giải kết © sau đây chỉ được làm thinh cho sử dụng thôi không?
2/Bạn phân tách những bài đối âm sau đây bằng cách đánh số các quãng. Đoạn bạn lấy đề các bài đó làm bài đối âm mới.
3/Sau cùng bạn lấy đề bài tập số 1, mỗi đề làm hai bài đối âm mới kiểu 3. Trong kiểu đối âm này học viên nhớ học kỹ các GK mẫu và đừng bịa những GK kỳ cục.
Chú thích:

(ví dụ bổ sung sau 46)













#5
ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ KIỂU 4

51. Kiểu này quan trọng nhất, và thường được sử dụng trong bất cứ loại sáng tác âm nhạc nào.

52. Trong kiểu này, đề gồm nguyên dấu nhạc trọn, còn bè đối âm, gồm nguyên dấu nhạc phân nửa, nhưng dấu nhạc ở nhịp yếu của ô nhịp trước được kéo dài sang nhịp mạnh của ô sau, tạo thành nhịp điệu ngoại lệ, gọi tắt là ngoại nhịp. Do đó kiểu đối âm này được gọi là kiểu ngoại nhịp.

(ví dụ bổ sung sau 46)

53. Quãng hòa điệu:
a/ Ở đầu bài. Xin nhớ là bè đối âm phải vào sau một nhịp. Vào bằng quãng 1, quãng 8 hoặc quãng 5. Cũng có thể vào bằng quãng 3 hoặc quãng 6. Xin nhớ khi vào bằng quãng 3 thì: dấu định âm ở dưới. Còn khi vào bằng quãng 6 thì dấu định âm ở trên.

b/ Kết bài bằng quãng 1, hoặc quãng 8 như những công thức sau:
(ví dụ bổ sung sau 47)

c/ Ở giữa bài: Ở nhịp yếu bao giờ cũng là quãng thuận.
-Khi dấu nhạc của bè đối âm ở nhịp yếu kéo dài sang nhịp mạnh mà tạo nên quãng nghịch, thì dấu nghịch này phải đi xuống, và đi xuống liền bậc sang nhịp yếu, như vậy bắt buộc phải tạo nên một quãng thuận ở nhịp yếu.
(ví dụ bổ sung sau 48)

-Khi dấu nhạc của bè đối âm ở nhịp yếu kéo dài sang nhịp mạnh mà tạo nên quãng thuận, thì dấu thuận này có thể đi lên hay đi xuống, liền bậc hay cách bậc sang nhịp yếu và tạo ra quãng thuận ở nhịp yếu.
(ví dụ bổ sung sau 49)

54/ Trong những bài đối âm kiểu 4, mà chỉ có hai be, khi dùng quãng hòa điệu nghịch thì:
a/ Không nên dùng quãng 4 hoặc quãng 9
b/ Chỉ nên dùng quãng 7 hoặc quãng 2
(ví dụ bổ sung sau 50)

55/ Nhưng khi bè ngoại nhịp ở dưới thì không được dùng quãng 7. Và khi bè ngoại nhịp ở trên thì không được dùng quãng 2.
(ví dụ bổ sung sau 51)

a/ Như vậy khi chúng ta làm bè đối âm bên dưới đề, thì bè đối âm đó nếu có quãng nghịch, thì quãng nghịch đó chỉ có thể là quãng 2.
b/ Khi chúng ta làm bè đối âm bên trên đề, thì bè đối âm đó nếu có quãng nghịch, quãng nghịch đó chỉ có thể là quãng 7.

56/ Khi bất đắc dĩ, chúng ta được cắt đứt ngoại nhịp, nghĩa là không phải kéo dài dấu nhạc ở nhịp yếu sang nhịp mạnh, và như vậy ở nhịp mạnh chỗ đó chúng ta phải dùng quãng hòa điệu thuận.
(ví dụ bổ sung sau 52)

Nhưng chỉ nên cắt đứt một lần, và không được cắt đứt ở ngay đầu bài.

57/ Ở nhịp mạnh: chúng ta có thể dùng quãng 8, nhưng không được dùng quãng 1.

58/ Trong bài đối âm kiểu 4 và 5, chúng ta được lặp lại dấu nhạc trong hai bè như công thức sau đây:

(ví dụ bổ sung sau 53)

59/ Những quãng 8 hoặc quãng 5 vào chậm: Đây chẳng qua là vấn đề trì hoãn, hoặc vào chậm của hòa âm. Nghĩa là một dấu nhạc, đáng lẽ phải vào đúng lúc thì lại bị dấu nhạc của HT trước kéo dài thêm và chiếm chỗ của nó, buộc nó phải vào sau, vào chậm hơn những dấu nhạc khác của HT. Vậy một dấu nhạc vào đúng lúc mà tạo nên những quãng 8 hoặc quãng 5 sai luật thì những quãng 8 quãng 5 đó vào chậm cũng vẫn sai luật.
Muốn kiểm vấn đề này, chúng ta cứ lấy dấu nhạc vào chậm đặt vào đúng chỗ của nó, nếu nó tạo nên quãng 8 hay quãng 5 sai luật thì khi quãng 8 hay quãng 5 này vào chậm cũng đương nhiên sai luật. Đối âm không chấp nhận những quãng 8 hay quãng 5 sai luật như vậy.
(ví dụ bổ sung sau 54)

60/ Tuy nhiên trong đối âm hai bè, chúng ta được dùng nhiều quãng 5 đúng ở nhiều nhịp yếu liền nhau, với điều kiện phải là những quãng 5 liền bậc. Bởi lẽ nếu là quãng 5 liền bậc thì đã có một HT khác ngăn giữa hai quãng 5.
(ví dụ bổ sung sau 55)

BÀI TẬP SỐ 4

1/Trước hết bạn phân tách những bài đối âm sau bằng cách đánh số các quãng nhạc.
2/ Đoạn lấy đề của bài đối âm đó, làm thành những bài đối âm kiểu 4.
3/ Sau cùng lấy mỗi một đề trong bài tập số 1 làm 2 bài đối âm kiểu 4.
4/ Bạn có biết tại sao đối âm kiểu này lại quan trọng nhất và được sử dụng trong bất cứ loại sáng tác âm nhạc nào?
(ví dụ bổ sung sau 56)






#6
ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ KIỂU 5

61. Như chúng ta đã thấy đối âm kiểu 4 rất quan trọng, vì kiểu đối âm đó tạo nên nhiềiu hợp âm mà quan niệm cổ điển cho là nghịch, những hợp âm này thêm nhiều hương vị cho bản hòa âm. Hơn nữa nhờ kiểu ngoại nhịp, đối âm kiểu 4 đã giúp tạo nên những nhip điệu rất uyển chuyển, không phải thứ nhịp điệu theo thứ công thức như FOxx trot, Manurka.... mà là thứ nhịp điệu vượt ra ngoài sự gò bó của ô nhịp, của nhịp mạnh nhịp yếu... Đối âm kiểu 5 là tổng hợp của các kiểu đối âm trước, nhất là kiểu 4 vậy.

62. Trong kiểu đối âm này, đề gồm nguyên dấu nhạc trọn, còn bè đối âm có thể dùng tất cả các loại dấu nhạc như: dấu trọn, dấu phân nửa, dấu phần tư, dấu phần tám, dấu nhạc có chấm, với mục đích trang trí dòng ca luôn thay đổi và thêm phần mỹ lệ. Do đó chúng ta gọi kiểu đối âm này là: kiểu hoa mỹ.

63. Trong những bài đối âm để hát, chúng ta chỉ nên dùng dấu nhạc phần mười sáu để ngân. Nhưng trong loại ca tôn giáo, chúng ta không nên dùng dấu nhạc phần mười sáu, vì quá nhanh không đủ đọc một vần. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc ở nhịp nhanh chậm của bài ca.

64. Trong trường hợp dùng dấu ngoại nhịp, thì dấu ngoại nhịp chỉ được dài bằng hoặc vắn hơn dấu gốc của nó, chứ không bao giờ được dài hơn.
(ví dụ bổ sung sau 57)

Tuy nhiên nếu dấu ngoại nhịp đó là dấu nghịch thì không được quá vắn.

(ví dụ bổ sung sau 58)

65. Trong trường hợp dùng dấu ngoại nhịp, nhất là dấu ngoại nhịp nghịch, thì dấu ngoại nhịp đó trước khi giải nghịch sang dấu thuận, nên chuyển sang một hoặc hai dấu của HT của dấu nhạc thuận.
Dấu rê (1) là dấu ngoại nhịp, dấu đô theo sau là dấu giải nghịch. Bởi nó là dấu giải nghịch nên bao giờ cũng là dấu thuận. Dấu giải nghịch Đô có thể thuộc thành phần HT Đô-mi-son, hoặc HT La-đô-mi. Vậy dấu rê ngoại nhịp. Trước khi giải nghịch sang dấu đô, nên chuyển qua dấu mi hoặc la hoặc son.
(ví dụ bổ sung sau 59)

Hoặc trước khi giải nghịch, dấu ngoại nhịp cũng có thể và cũng nên chuyển sang một dấu nhạc phụ ở ngay bên dưới dấu giải nghịch.
(ví dụ bổ sung sau 60)

Hoặc sang trước dấu đô một nhịp, đoạn lặp lại dấu đô một lần nữa, theo kỹ thuật mà hòa âm gọi là vào trước.
(ví dụ bổ sung sau 61)

66. Không được cho dấu ngoại nhịp lượn lên hoặc lượn xuống. Đó là điều đã học trong hòa âm về dấu lượn.
(ví dụ bổ sung sau 62)
Tuy nhiên chúng ta có thể thực hiện những công thức sau đây:
(ví dụ bổ sung sau 63)

67.Trong kiểu đối âm này, với mục đích tạo được một dòng ca lưu loát, uyển chuyển và hấp dẫn, những mẹo luật khắt khe từ trước tới giờ có thể được nới rộng đôi chút.
Thí dụ:
a/ Được dùng quãng 4 hòa điệu trong công thức sau đây:
(ví dụ bổ sung sau 64)
b/ Trong trường hợp bất đắc dĩ có thể được dùng quãng "9" hoặc quãng "11" hòa điệu.
(ví dụ bổ sung sau 65)
c/ Hoặc dấu nghịch chuyển hành cách bậc, miễn là dấu đó phải thuộc về cùng một HT và có một bè đứng yên trong khi dấu nghịch chuyển hành, sau đó dấu nghịch phải giải nghịch bằng cách đi xuống liền bậc.
(ví dụ bổ sung sau 66)
d/ Có thể lặp lại dấu nhạc vài ba lần cách dễ dàng.
e/ Khi dùng dấu ngoại nhịp ở giữa ô nhịp mà tạo nên những quãng nghịch. Lúc đó chúng ta cũng phải đối xử phù hợp với nguyên tắc số 54 và 67a.
(ví dụ bổ sung sau 67)
Những điểm trên đây là những điểm miễn trừ ngoại lệ, không nên lạm dụng để giữ cho đối âm cái tính cách nghiêm khắc và tinh tuyền.

68. Trong kiểu này, đối âm nên bắt đầu chậm rồi nhanh dần, và tới cuối bài đối âm chậm lại dần dần. Nghĩa là nên bắt đầu bè đối âm bằng dấu trọn, rồi đến dấu phân nửa, đến dấu phần tư, phần tám. Đến cuối lại từ dấu phần 8, đến dấu phần tư, dấu phân nửa và kết bài ở dấu trọn. Quan điểm nghệ thuật này rất phù hợp với luật chuyển động tự nhiên. Một động cơ, một cánh quạt.... bắt đầu quay chậm rồi nhanh dần, muốn ngừng cũng chậm lại dần dần.
(ví dụ bổ sung sau 68)

Tuy nhiên chúng ta cũng có thể băt đầu bài đối âm như sau:
(ví dụ bổ sung sau 69)
Nhưng không nên bắt đầu như:
(ví dụ bổ sung sau 70)

69.Theo nguyên tắc vừa kể trên, thì các giải kết phải đơn sơ hết sức, không léo lắt hoa hòe. Bởi lẽ cuối bài là lúc bài ca phải chậm lại, phải nhẫn nha, thư thái... Sau đây là mấy công thức để giải kết:
(ví dụ bổ sung sau 71)

70. Chúng ta cũng có thể trang trí cả đề bài đã ra sẵn, với mấy tiêu chuẩn sau:
a/ Tránh không cho hai bè cùng một lúc có những hình dáng dấu nhạc như nhau, nghĩa là tránh không cho hai bè cùng lúc có nhịp điệu y nhu nhau. Thí dụ:
(ví dụ bổ sung sau 72)

b/ Không bao giờ được thay thế dấu nhạc ở nhịp thứ nhất bằng 1 dấu nhạc khác. Tuy nhiên chúng ta có thể được giảm bớt giá trị dài, vắn của những dấu nhạc ở nhịp thứ nhất, để có thời gian dành cho các dấu nhạc trang trí.
(ví dụ bổ sung sau 73)
c/ Tuy nhiên chúng ta có thể di chuyển dấu nhạc ở nhịp mạnh qua nhịp tiếp theo sau bằng dấu ngoại nhịp từ cuối ô trước kéo sang.
(ví dụ bổ sung sau 74)

Trong bài tập đối âm, chúng tôi không đòi hỏi học viên trang trí đề. Bởi lẽ không cần thiết. Khi làm bài đối âm ba be, bốn bè trở lên, chúng ta sẽ có cơ hội trang trí nhiều bè trong 1 lúc.

CHÚ THÍCH:
a/ Như đã trình bày trước đây, khi muốn thực hiện bài đối âm theo kiểu 5, trước hết thực hiện bài đó theo kiểu 4, đoạn bạn thêm những dấu hoa mỹ. Đoạn nào viết theo kiểu 4 phải theo quy luật kiểu 4, viết theo kiểu 3 phải theo quy luật kiểu 3.

-Khi áp dục kiểu 4, phải chú ý tới những quãng hào điệu nghịch như quãng 2, 4, 7, 9, 11... trong khi bè đối âm nghĩa là bè ngoại nhịp ở trên hay ở dưới.
-Khi dùng ngoại nhịp thì quãng hòa điệu ở nhịp yếu bao giờ cũng là quãng thuận.
-Khi áp dụng kiểu 3, nếu đi liền bậc thì có thể dùng một quãng nghịch rồi một quãng thuận.
b/ Hai bè không được đi tới một quãng nghịch, dù đi liền bậc và ngược chiều.
(ví dụ bổ sung sau 75)
c/ Có sách giáo khoa chủ trương: không nên dùng quá hai dấu phần tám trong một ô nhịp, và chỉ nên dùng ở nhịp yếu.
(ví dụ bổ sung sau 76)
Hoặc nếu khi cần phải dùng 4 dấu phần tám trong một ô nhịp thì nên phân chia, chứ không nên để 4 dấu phần tám liền nhau.
(ví dụ bổ sung sau 77)

Chúng tôi không đồng ý với chủ trương trên, vì như vậy nhịp điệu sẽ mất phần linh động, uyển chuyển, mà trở thành công thức, là điều trái với tính cách của đối âm.

d/ Chúng ta không nên nhảy cách bậc sau dấu phần tám vì mất tính cách nghiêm chỉnh của đối âm.
(ví dụ bổ sung sau 78)

e/ Khi có tám dấu phần tư đi theo nhau, chúng ta không nên đóng khung tám dấu đó trong 2 ô nhịp.
(ví dụ bổ sung sau 79)
Nhưng chúng ta nên phân phối tám dấu phần tư đi liền nhau trong 3 ô nhịp như:
(ví dụ bổ sung sau 78)
Điều can hệ là chúng ta phải liệu cho bài đối âm có một nhịp điệu uyển chuyển sống động. Tránh công thức nhịp điệu. Thí dụ:
(ví dụ bổ sung sau 79)

-Nhịp điệu c, d giống đ, e
-Nhịp điệu g giống nhịp điệu b
-Không có ngoại nhịp

BÀI MẪU:
(ví dụ bổ sung sau 80)

BÀI TẬP SỐ 5:
1/ Trước hết bạn lấy những đề văn vắn sau đây để thực hiện bè đối âm hoa mỹ.
(ví dụ bổ sung sau 81)
2/ Đoạn bạn phân tách những bài sau đây bằng cách đánh số và diễn đi diễn lại những bài đó trên đàn dương cầm.
(ví dụ bổ sung sau 82)
3/ Sau cùng, bạn lấy đề của mỗi một bài tập số 1 dể làm hai bài đối âm hao mỹ.


















#7
PHỤ CHƯƠNG VỀ ĐỐI ÂM ĐƠN THUẦN HAI BÈ

Sau đây là những bài đối âm chúng tôi cố ý làm sai luật. Chúng tôi đã chú giải những điểm sai luật để bạn biết mà tránh.
(ví dụ bổ sung sau 83)

(1) năm dấu phân nửa đi liền nhau tạo một nhịp điệu không thay đổi mấy
(2) Đoạn đó ít trang trí, có thể sửa:
(ví dụ bổ sung sau 84)
(3) Quãng 6 trưởng, thứ đi lên không hợp với tính cách nghiêm chỉnh. Sửa:
(ví dụ bổ sung sau 85)
(4) Đoạn đó ít trang trí, sửa:
(ví dụ bổ sung sau 86)
(5) Dấu lượn tạo nên quãng 4 nghịch và lẻ.
(6) Đó là một đoạn dài, dòng ca chạy tung tăng, không có ngoại nhịp.
(7) Dấu lượn nghịch
(8) Dấu giải nghịch lẹ quá. Sửa:
(10) Lặp lại dấu nhạc kiểu đó là hay
(11) Dấu lượn vừa nghịch vừa nhanh như đã nói ở số 5.
(12) Dùng q.4 kiểu đó không được, hơn nữa có 2 quãng 5 theo nhau ở nhịp yếu.
(13) Dấu lượn nghịch, tuy nhiên kiểu lượn quãng 2 như vậy rất hay. Chúng tôi nhận kiểu lượn đó cho hợp với đối âm tân thời.
(14) Đây là dấu lượn của dấu giải nghịch, chứ không phải dấu giải nghịch quá vắn như đã nói ở số 8.
(15) Quãng 6 đi lên mà đi lẹ thì dù là quãng 6 thứ cũng mất nghiêm chỉnh.
(16) Quãng 6 đi xuống và đi chậm nên đỡ lãng mạn hơn.
(17) Nên trang trí thêm chút nữa như:
(18) Suốt bài trang trí ít quá, hầu như không trang trí chi cả.
(19) Trong bài đối âm có một bè hoa mỹ mà 1 dấu trọn đối chọi với cuối bài thôi. Nghĩa là chỉ dùng dấu trọn ở cuối bài. Còn khi 2, 3, 4 bè hoa mỹ thì một bè nào đó có thể dùng dấu trọn ở giữa bài. Xem bài mẫu đối âm đơn thuần 4 bè kiểu 5
(20) Được dùng quãng 4 kiểu đó.
(21) Dấu lượn kiểu đó không được. Sửa:
(22) Dấu lượn kiểu đó được chấp nhận như đã nói ở số 13.
(23) Giải kết thánh ca không chấp nhận dấu chuyển âm như bài số 5.
(24) Xem lại chú thích số 3 và 15
(25) Xem lại chú thích số 20. Hơn nữa trong trường hợp như vậy quãng 4 lượn lên như vậy lại càng hay.
(26) Xem chú thích số 19
(27) Hai tiếng khác loại và chéo bè thì được chấp nhận dễ dàng.
(28) Không nên lạm dụng nhịp điệu kiểu đó.
(29) Không nên dùng 2 công thức nhịp điệu giống nhau đi liên tiếp.
(30) Hai bè cũng khởi sự ở nhịp mạnh theo kiểu đó thì ta nên tránh vì nó giảm bớt sự tương phản.
(31) Xem lại chú thích số 12.
(32) Chúng ta có thể chấp nhận cho hai bè khởi sự ở nhịp mạnh theo kiểu này. Xem lại đầu bài số 1,2,4,5,7,9,10,15.
(33) Quãng 5 giảm là quãng nghịch nên phải đi liền bậc trước và sau.
(34) Không được thực hiện việc ngoại nhịp mà dấu gốc vắn hơn dấu ngoại nhịp.
(35) Quãng 4 là quãng nghịch phải đi liền bậc. Hơn nữa, dấu ngoại nhịp phải là dấu thuận ở nhịp yếu. Xem lại lý thuyết số 53c Phá Rê Là.
(36) Ba dấu nhạc Mi Đô Son cho chúng ta cảm giác của HT 6/4. Xem lại lý thuyết số 19.
(37) Xem lại chú thích số 30
(38) Chúng ta được dùng quãng 4 như vậy theo nguyên tắc số 67a. Quãng 5 giảm tiếp theo sau quãng 4 là quãng nghịch đi các bậc. Nhưng đó là dấu thoát. Chúng ta xem lại lý thuyết số 44, dấu thoát là dấu nghịch đi cách bậc.
(39) Xem lại chú thích số 13 và 22.
(40) Đó là kiểu ngoại nhịp ở giữa ô nhịp. Xem ô nhịp thứ 4 của bài số 6 trên đây. Nếu chúng ta biết sử dụng vừa phải thì nó sẽ tạo nên nhịp điệu thay đổi. Nếu lạm dụng, nhịp điệu sẽ ngập ngừng, không hợp với sự nghiêm chỉnh của đối âm.
(41) Xem lại chú thích số 33;
Nên tránh nhịp điệu khập khiễng như:
Sửa lại:
#8
@saomuc: Tài liệu bạn sưu tầm rất bổ ích, có thêm ví dụ nữa sẽ rất dễ hiểu. Có các ví dụ thì người đọc dễ nhập tâm. Cám ơn bạn saomuc. Mời bạn một ly cafe nóng hổi vừa thổi vừa uống.
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc
#9
@saomuc: Bạn có thể đăng các ví dụ ký âm lên cho mọi người cùng hiểu nhé. Cám ơn bạn saomuc.
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc
#10
@saomuc: Tài liệu hữu ích, bạn có thể scan lại và gửi Email cho mình nhé.
lehuuhungdcmo@gmail.com . Cám ơn bạn nhiều.
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc


Có thể liên quan đến chủ đề...
Chủ đề: Tác giả Trả lời: Xem: Bài mới nhất
Music Tổng Hợp Ebook Tự Học Guitar Cơ Bản, Nâng Cao, Nhạc Lý, Hòa Âm Hay Nhất kimdinhbom 0 5,851 09-08-2016, 11:22 AM
Bài mới nhất: kimdinhbom
  trường độ và các ký hiệu thường dùng shimofour 1 7,781 03-25-2013, 01:01 PM
Bài mới nhất: kevin

Di chuyển nhanh:


Những người đang xem chủ đề này: 2 khách