Một số bài Rao đàn Tranh
Xin chào quý khách! Đăng nhập Đăng kí

Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Đánh giá chủ đề:
  • 0 Votes - 0 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Một số bài Rao đàn Tranh
#1
Chuyên mục: Những bài Rao đàn Tranh.
Mục đích: Anh chị em yêu thích đàn Tranh đăng lên Video, Audio, cảm âm, ký âm, thuyết trình những kỹ thuật khó, những đoạn nhạc khó phải trao đổi học tập, những clip tự tập, hoặc clip để hỏi những kỹ thuật khó..v..v. Ai biết cái gì về kỹ thuật thì trao đổi cởi mở thân thiện.
Anh chị em lưu ý: Mình tạo chuyên mục này để chúng ta trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các bạn đồng môn. Do vậy chúng ta nên trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nghiên cứu học tập nghiêm túc. Không nên để việc tranh luận, lời qua tiếng lại dẫn đến mất hoà khí trong anh chị em. Tiêu chí là chúng ta nên giữ gìn cho topic luôn ấm áp, vui vẻ thư giãn hoà đồng và cười từ đầu đến cuối.

Rao đàn Tranh:
Mục đích để:
1. Chỉnh nhạn, sửa dây cho ăn với các nhạc cụ khác trước khi hòa đàn.
2. Phụ cho ca sĩ khi ca sẽ bắt chuẩn vào tông dây ta rao. (đối với ca không nói lối) hoặc làm nền khi ca sĩ nói lối.
3. Thể hiện "hơi" của loại bài bản ta đàn độc tấu hoặc hòa tấu. Nhiều người có năng lực cảm nhận sẽ biết ngay ta sắp đàn bản gì, thuộc hệ thống "hơi" gì khi ta rao đàn.
4. Các mục đích khác: Do bạn nghĩ ra

Một số bài rao đàn Tranh của bác Phạm Thái Nấng:
Bạn nào rảnh thì cảm âm rồi đăng lên nhé.













Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc
#2
Rất nhiều người trong và ngoài giới thắc mắc rằng "Rao" là gì và từ này có từ bao giờ. Có từ nào đồng nghĩa hoặc thay thế "Rao" chăng ? "Rao" có nguyên tắc hay quy định như thế nào trong nhạc tài tử và cải lương, nếu không có "Rao" thì sao ?
Ngoài sự tìm tòi nghiên cứu, chúng tôi đã có lần đặt vấn đề này với GSTS Trần Văn Khê và cố NSUT - nhạc sĩ Vũy Chỗ (lúc ông còn sống). Hai vị cho biết, nếu không có Rao thì không có ca, vì không thể ca được. Theo cụ Trần, trong âm nhạc tài tử cải lương, Rao là một tín hiệu của từng giai điệu nói riêng và của một điệu thức nói chung, ca và đờn đều theo Rao đi vào thể điệu. Nói cách khác, Rao tiếng nhạc mở hơi cho cả đờn và ca xuyên suốt theo một thể điệu (bài bản). Còn ông Vũy Chỗ, Rao là dọn tình cảm cho người ca vừa so hơi cho chuẩn, vừa cảm âm để bộc lộ tâm trạng ca ngâm diễn xướng. Ông còn nhấn mạnh, lối Rao ở tài tử thì thuần túy chân phương, còn lối Rao ở cải lương thì Rao theo tâm trạng người ca hay còn gọi là Rao theo tâm lý tính cách nhân vật. Trong dân gian, Rao còn gọi là "Dạo", đờn Dạo trước để người ca bắt hơi vô giai điệu. Còn âm nhạc quãng tám gọi là "intro", có bản nhạc do nhạc sĩ soạn sẵn entro, thông thường thì nhạc sĩ soạn hòa âm phối khí soạn entro, có những trường hợp nhạc công lấy một gian tấu nào đó trong bản nhạc làm intro, gọi là Dạo nhạc cho người ca lấy hơi. Người ca không cảm âm được, hơi giọng không chuẩn theo Dạo hay Rao, bên tài tử cải lương gọi là "đâm hơi", còn bên nhạc quảng tám gọi là "phô".

Trở lại phần âm nhạc cải lương, Rao là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong phần âm nhạc không thể thiếu và rất đa dạng phong phú. Ngoài khái niệm chung về Rao hay Dạo, tính năng của nó là phần hồn âm nhạc trong vở diễn, làm vai trò chủ đạo ở năm thể điệu cơ bản : Bắc, Bắc lễ, Nam, Oán và Quảng. Mỗi thể điệu gọi là nhóm, gồm nhiều bài bản nhỏ lớn, còn gọi là điệu thức tức là hệ thống các bài bản của nhóm. Nhưng mỗi nhóm (điệu thức) chỉ có một loại hơi mà thôi. Nhóm hơi Bắc gồm 6 bài Bắc chánh : Lưu thủy, Phú lục, Xuân tình, Bình bán, Cổ bản, Tây Thi và rất nhiều bài bản khác như : Kim tiền, Ngựa ô bắc, Mẫu tâm tử...Nhóm này Rao thông thường nhấn Xê hoặc Xang (tùy theo nhạc sĩ) và chấm dứt Rao bằng chữ Liu. Nhóm Nam có 3 bản chánh : Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung) và nhiều bản khác như : Ngựa ô nam, vọng cổ và một số điệu lý...Nhưng riêng ba bài Nam chánh, mỗi bài đều có lối Rao khác nhau, giống nhau ở chữ vô đầu, nhấn Xang. Nam xuân nhấn nhẹ hơn, vô Xang và dứt Xang. Đảo nhấn mạnh Xang đến Xê và ghé Liu. Nam ai, vọng cổ, một số điệu khác đều nhấn sâu chữ Xang và về Hò. Nhóm Bắc lễ có 7 bài : Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Xàng xê, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, tiểu khúc. Rao nhấn chữ Xừ và U, Dứt U hoặc Liu. Nhóm này ở cải lương chỉ thường sử dụng Xàng xê, lớp đầu hoặc Xề còn các bài kia rất ít sử dụng, vì hai lý do : một là ít tác giả kịch bản khai thác đến, hai là tác giả có sử dụng nhưng diễn viên ca không nổi, học không tới chỉ có dân tài tử mới đủ khả năng ca loại bài bản này. Nhóm Oán có 4 bài chánh : Tứ đại, Giang nam, Phụng cầu, Phụng hoàng và một số oán phụ như : Trường tương tư, Văn thiên tường, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên...Nếu giọng nữ ca thì Rao dây Xề (chánh oán), đờn Kìm thì Rao dây Tố loan, nam ca thì Rao dây Tứ nguyệt (hò tư), cũng nhấn Xang ghé Hò nhưng âm sắc nghe mùi mẫn bi thương hơn Nam. Nhóm Quảng là những bản vắn do cố soạn giả Mộng Vân sáng tác cho cải lương, như : Sương chiều, Tú anh, Xang xừ líu, Phong ba đình...Rao thường vô Cống và dứt Xàng.

Khi dòng âm nhạc này xuất hiện là ngay sau đó từ "Dạo" cũng xuất hiện theo, kế đó từ "Rao" xuất hiện muộn hơn "Dạo". Bởi vì, "Rao" xuất hiện trong dân gian từ khi đất phương Nam có sự giao thương trao đổi, mua bán hàng hóa. Người bán thường hay Rao mời khách, có nghĩa là một cách giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngày nay ta gọi là quảng cáo, mà ngày xưa gọi là rao vặt, đặc biệt là những người bán hàng rong, cho đến hôm nay vẫn còn phổ biến trong dân gian. Ví dụ "Ai ăn chè đậu xanh nước dừa hôn ?...Xôi chè, bánh lọt, bánh đúc đây !...Cà rem đây ! Đạp - gai - tét - giò...hôn ???..." tức rao là một tín hiệu giới thiệu. Và, rao ở dân gian được tác giả khuyết danh đưa vào âm nhạc tài tử cải lương để thay phiên cho Dạo, nên hiện nay có người gọi Dạo, có người gọi Rao, trước khi ca, người ca nói với người đờn "Dạo đi. Rao đi". Bởi lẽ, tính chất của dòng nhạc này vừa bác học lại vừa dân gian vậy. Mỗi một nhạc sĩ đều có lối Rao riêng, không ai giống ai, nhấn nhá tự do không có một khuôn mẫu nào cả, độ Rao dài ngắn thì lệ thuộc vào người ca nói lối, diễn ngâm...Còn chuyện hay, dỡ là do thiên tư tài năng của từng nhạc sĩ. Trong cải lương, các tính cách của ca - kịch : hỉ - nộ - ái - ố...Rao là yếu tố dọn tình cảm cho diễn viên bộc lộ trạng thái để diễn tả nhân vật, diễn viên hóa thân vào nhân vật ở chừng mực nào là do cái Rao gợi mở. Rao xôm tụ, mùi mẫn, trữ tình...thì diễn viên sẽ ca ngọt và nhập vai một cách dễ dàng, còn ngược lại diễn viên sẽ ca sống sượng và vào vai gượng gạo.

Mỗi nhạc sĩ, không chỉ có phong cách riêng mà còn có sở trường trong từng thể điệu, cố danh cầm Văn Vĩ rao guitar (Nam-Oán) nhấn chữ Xang tạo âm sắc rất độc đáo, nghe như giọng nói của người tha thiết một điều gì đó, (Bắc) thì hùng hồn, xôm tụ như thúc dục người vào cuộc...cố danh cầm Nam Cơ rao đờn Sến nghe dòn như bắp rang, trẻ trung như chim én lượn trong nắng xuân, còn danh cầm Bảy Bá rao đờn Tranh réo rắt như tiếng chim hót bên dòng suối, cố danh cầm Vũy Chỗ rao Oán (Tranh) mùi - buồn não nuột...Rao còn là tâm tấu của mỗi nhạc sĩ, tùy hứng mà sáng tạo ra nét Rao, có người còn gọi là rao "thần" hay đờn "thần" là vậy.

Theo: cutepet

Nguồn tin: QUỐC TRƯỜNG GIANG - BSK
Link trích dẫn: http://cailuongvietnam.vn/news/Nghe-thua...uong-1762/
Nguyễn thị Mỹ Liêm : Tiếng Rao trong nhạc Tài tử miền Nam

Chúng ta thường quen dùng danh từ “nhạc Tài tử - Cải lương” để nói về loại hình âm nhạc truyền thống Nam bộ. Thật ra, đây là hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Trước nhất, nghệ thuật ca nhạc Tài tử Nam bộ là hình thức ca nhạc diễn thính phòng; còn Cải lương là nghệ thuật sân khấu. Tuy nhạc mục gần như trùng nhau, bởi Cải lương thoát thai từ âm nhạc Tài tử nhưng phong cách diễn có nhiều khác biệt. CảI lương sử dụng nhạc mục này để phục vụ cho nộI dung sân khấu, bài bản được cắt xén, thêm bớt câu chữ để phục vụ cho lời ca, cho tình huống sân khấu, cho nộI dung kịch bản.

Ca nhạc Tài tử Nam bộ mang tính trình diễn âm nhạc. Phần âm nhạc được sinh ra trước là những bài bản dành cho các nhạc cụ: đàn cò, đàn kìm, đàn tranh, đàn độc hưyền, đàn tỳ bà, sáo... Trình diễn nhạc Tài tử là những buổi hòa đàn, hoà ca của những nhóm nhỏ tri âm tri kỷ, cùng với nhau chơi nhạc và thưởng thức âm nhạc. Nhạc sỹ chơi toàn bộ một bài trong nhạc mục hoặc trích đoạn một vài bài. Họ có thể chơi nguyên xi bản đàn đã được học, được biết và cũng có thể chơi theo cách riêng của mình: thêm thắt, bớt âm, chuyền ngón, chạy chữ…, miễn giữ được khung sườn (còn gọi là lòng bản) của bài bản.

Nghệ thuật ca nhạc Tài tử là nghệ thuật của sự trình diễn âm nhạc ngẫu hứng và sáng tạo. Nhưng có lẽ, rao là phần mang tính ngẫu hứng nhiều hơn hết trong toàn bộ phần ứng tác ngẫu hứng của các nhạc công khi diễn, tấu nhạc Tài tử.

Về rao, giáo sư Trần Văn Khê nêu: “Trước khi trình tấu một tác phẩm, nhạc sĩ Việt Nam có thói quen chơi vài câu nhạc mà họ muốn, với nhịp điệu tự do, đường nét giai điệu không định sẵn trước. Nhạc sĩ chơi cái gì họ thích, miễn là không ra khỏi điệu và hơi là cái khung sườn của sự ứng tấu, ứng tác”. Những câu nhạc đó nhạc giới gọi là rao (ở miền Nam) và dạo (ở miền Bắc).

Trên thực tế, trong hoà tấu nhạc Tài tử, trước khi vào một bản đàn, cả khi hoà ca, nhạc công đều diễn tấu một đoạn nhạc ngẫu hứng tự do, nhạc giới gọi là rao. Nội dung câu rao gần gũi với bản đàn sắp diễn tấu, với mục đích là để chỉnh lại dây đàn cho đúng. Đồng thời, người nhạc sĩ cũng muốn dùng câu rao để gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn hoà tấu, chuẩn bị hình tượng âm nhạc cho người thưởng thức.

Như vậy, rao trước hết là để lên dây đàn. Nhạc giới Tài tử có câu nói cửa miệng : ”Bài nào dây nấy”, ý nói các bài bản trong nhạc mục Tài tử được chơi theo nhiều hệ thống dây khác nhau, ví dụ bản Lưu thủy trường được đàn trên hệ thống dây Bắc (thang âm có dạng Hò, Xư, Xang, Xê, Công, Liu …); ba bài Nam xuân, Nam ai, Nam đảo đàn trên hệ thống dây Nam (thang âm Hò, Xư, Xang, Xê, Phan, Liu …); hoặc như bài Tứ đại oán đàn trên hệ thống dây Oán (thang âm có dạng Hò, Xư, Xang, Xê, Oan, Liu …)

Mỗi bài theo hệ thống dây, có nhiều bài cùng một hệ thống dây, ví dụ 6 bản Bắc trong “20 bản tổ” đàn trên hệ thống dây Bắc. Cũng có bài được chơi trên hai hệ thống dây khác nhau, ví dụ bài Xàng xê, thuộc 7 bài lễ. Bài này được chơi trên hệ thống dây Bắc, nhưng sang lớp Xề phảI đàn trên hệ thống dây Oán. Do vậy, nhạc sĩ thường rao vài câu đầu theo thang âm của bài bản sắp diễn tấu trên hệ thống dây của nhạc cụ để người bạn diễn, người hòa ca nhận biết mà điều chỉnh cho hòa hợp. Đó cũng là lý do mà nhạc Tài tử có phần diễn tấu này, trong khi những thể nhạc khác, có đặc điểm tính chất âm nhạc, lối trình diễn tương tự như ca Huế khi diễn tấu lại chơi vào bài ngay mà không cần có rao (các bài bản ca Huế được chơi trên cùng một hệ thống dây). Hoặc nếu có, các bài rao thường được học theo lối thuộc lòng, như bài Dạo khách, Dạo nam. Ca trù cũng không thấy có lối dạo trước khi vào bài.

Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải: “Thuật ngữ rao (nguyên nghĩa là sự la lớn lên để buôn bán hàng của những người bán hàng) gợi lên sự hô lớn, đó là nhịp và giai điệu không được định sẵn trước. Chúng đáp ứng gợi ý mà người ta gọi là rao trong buôn bán sản vật. Thuật ngữ dạo (nguyên nghĩa là sự đi dạo, dạo chơi…) được dùng bởi nhịp điệu của những bước chân ngườI đi dạo thay đổi theo thời điểm dạo chơi…”

Theo chúng tôi, thuật ngữ rao (dạo) còn có một ý nghĩa khác. Về mặt ngữ nghĩa, rao là báo trước, gây chú ý ở người nghe và cũng thể hiện cả nội dung như trong các từ “dạo đầu”, “rao giảng”, “ rao truyền”…(Từ điển tiếng Việt). Nói như thế là muốn nêu ý nghĩa của sự truyền dẫn tình cảm cho người nghe của rao trong nghệ thuật ca nhạc Tài tử hơn là chỉ trong ý nghĩa “dạo chơi” hay “rao hàng”.

Về nguyên tắc, như đã nêu: ”Người nhạc sĩ muốn đàn gì thì đàn, miễn là không vượt qua khỏi bài bản sắp trình tấu”, thì phải thấy rằng chưa có một nhạc công nào có thể rao được khi chưa biết hoặc không hề biết gì về bài bản hoặc hơi điệu. Nói rõ hơn, nhạc công có thể đàn hay mà rao dở, nhưng không có nhạc công đàn dở mà rao hay!

Mặt khác, rao được xem như phương tiện để chuẩn bị cho một cảm nhận gần gũi với hình tượng âm nhạc sắp trình bày, chuẩn bị cho người nghe một “không khí”. Và như nhạc giới vẫn gọi là “rao lên” cho biết, người chơi đàn cũng cần “đôi lời giới thiệu” về nhạc điệu, bài bản sắp trình bày.

Nhạc Tài tử là một thể nhạc cần sự am hiểu. Ở đây, người nghe thưởng thức âm nhạc thông qua đánh giá khả năng diễn của nhạc sĩ dựa trên một khung sườn chung của bài bản (lòng bản). Nhạc sĩ cống hiến cho người nghe khả năng ứng tấu, ứng tác của mình trong quá trình diễn tấu và nhất là trong khi chơi câu rao. Bài bản có thể chơi theo trí nhớ với ít nhiều thêm thắt, thay đổi ở giai điệu, nhưng rao là một sáng tác trực tiếp ngay khi trình tấu. Nghệ thuật của rao thể hiện ở khả năng ứng tấu, ứng tác là rất ngẫu hứng mà phải giữ trong khuôn khổ của một số “nguyên tắc” về “điệu” và “hơi”; về mối liên quan của nó với bài bản sắp trình tấu; ở sự tinh tế của giai điệu câu rao.

Nhạc mục của nghệ thuật Tài tử phổ biến 20 bài bản. Mỗi bài tuy có những nét khác nhau, nhưng thuộc về hai điệu: điệu Bắc (tính chất âm nhạc vui, trong sáng) và điệu Nam (tính chất âm nhạc buồn, bi ai, sầu thảm). Trong mỗi bài hát của mỗi điệu lại thể hiện các hơi khác nhau. Điệu Bắc có 6 bài thuộc hơi Bắc, 7 bài thuộc hơi Lễ (còn gọi là hơi Nhạc); các bài trong điệu Nam có nhiều hơi khác nhau: hơi Xuân, Nam ai, Nam đảo, Hơi oán, và gần đây, có quan niệm cho là có hơi Vọng cổ. Trong câu rao, phải thể hiện cho được hình tượng âm nhạc của bài bản, phải được ngẫu hứng trên thang âm của bài bản cùng với những đặc điểm của điệu và hơi; những nốt rung, láy đặc biệt của hơi, những “âm tựa” của giai điệu, những nốt thêm thắt và tình cảm của chính bản đàn mà câu rao có nhiệm vụ mở đầu.

Trong hòa tấu, hòa ca nhạc Tài tử, câu rao tuy là ngẫu hứng, nhưng đòi hỏi phải hòa hợp, ngoài sự hòa hợp với bài bản còn hòa hợp vớI đạo diễn. Nhạc sĩ phảI biết ứng tấu dựa trên diễn tấu và cần hiểu được bạn diễn để đưa câu nhạc vào đúng lúc, đúng chỗ, đoán được ý bạn diễn để có thể giới thiệu được câu nhạc, nâng được âm điệu của câu rao chung, vừa thể hiện được phong cách riêng của mình. Nhạc sĩ phải biết khi nào dùng những chữ láy, chữ nhồi, khi nào cần chuyền chữ, lướt, dùng chữ chỏi, chuyển âm vực (lòn chữ), thay đổi tiếp nhịp... Rao thể hiện toàn bộ khả năng ứng tấu và cả cá tính của người nhạc sĩ.

Phong cách của thể loại âm nhạc Tài tử, ngoài tính định hình của nó còn cần phải tính đến những yếu tố liên quan, bởi phong cách là một khái niệm mở. Có thể nói, những yếu tố địa lý, lịch sử, nhân chủng, truyền thống... điều là những yếu tố chi phối cho phong cách âm nhạc nói chung, nhạc Tài tử nói riêng. Thể hiện phong cách, đặc điểm của từng giai đoạn âm nhạc cũng là nhiệm vụ của câu rao. Một câu rao cho bài Dạ cổ hoài lang nhịp bốn không thể giống như câu rao cho bài Vọng cổ nhịp tám hoặc nhịp mười sáu, nhịp hai mươi bốn, nhịp ba mươi hai. Bởi từ bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến bài Vọng cổ ngày nay là lịch sử gần trăm năm, là quá trình chuyển hoá từ một bài gần với nhạc ca Huế (bài Hành vân) đến một bài có hơi nhạc đặc biệt ai oán mà ngày nay nhạc giới công nhận là nằm trong giai điệu Nam, hơi Oán và còn gọi riêng là hơi Vọng cổ, ngườI nhạc sĩ phải hiểu thật sâu sắc phong cách của từng giai đoạn, từng thời kỳ âm nhạc để khi thể hiện không nhầm lẫn và đưa người nghe, tri âm tri kỷ, đến gần nhất với nghệ thuật tuyệt vời này, trong đó có mặt câu rao.

Câu rao vừa thể hiện phong cách âm nhạc, phong cách của tác phẩm, đồng thời thể hiện phong cách riêng của người nhạc sĩ. Trong nhạc giới, không ai có thể quên được câu rao của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, chỉ cần ông dạo lên vài chữ đàn thì đã thể hiện lên một hình ảnh chững chạc, nghiêm trang chín chắn của hơi nhạc Lễ hoặc nức nở, sầu thảm của hơi Nam ai , sự thanh tịnh, sáng trong của hơi Nam xuân … Mỗi chữ đàn của ông thâm trầm, sâu lắng, chứa trong đó âm sắc của từng bậc thang âm, từng điệu, từng hơi nhạc. Với nhiều nhạc sĩ khác, họ lại thích chơi nhiều chữ đàn, thích những nét nhạc chạy lướt, thích chuyền ngón hoặc hoa mỹ trong câu rao. Những câu rao của họ thật dài, thật miên man, không cần một bố cục cụ thể. Cũng có những nhạc sĩ thích trình bày câu rao như một bài thơ tứ tuyệt với những ý nghĩa rõ rệt trong các câu nhạc như câu mở, câu luận giải, câu kết …

Rao là sự trình bày âm nhạc xuất thân từ một kiều mẫu là điệu, hơi và bài bản. Nhưng đồng thời, rao cũng là một sáng tạo tại chỗ và được coi như một hiện thực âm thanh gợi lên xúc cảm và phô bày những ngón đàn điêu luyện. Là một sáng tạo âm nhạc không có chuẩn bị trước, bởi thế rao cũng thể hiện đầy đủ nhất khả năng và phong cách của người nghệ sĩ. Rao chính là nét đặc trưng của nghệ thuật ca nhạc Tài tử.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm


Trích Thong tin KHoa hoc, Viện Âm nhạc Hà Nội
Link trích dẫn: http://tranquanghai.info/p530-nguyen-thi...n-nam.html
Mình thử cảm âm của clip thứ 2 tính từ trên xuống của bác Phạm Thái Nấng:
Hệ thống dây: D - E - G - A - B. Rung D và G.
~: Rung
(): Song thinh

1. Mí (nhấn đến Són) Rê. Mí rê sì(sì) sì rê 0:05
2. Mí rê sòn mì 0:07 Sí la son mì 0:09
3. Á về Sòn . (Âm tuỳ tục Sòn la sí) sòn 0:12 . Sòn la sí sòn sòn si rế la 0:15
4. Si (nhấn đến Rê) La Fa#(Fa# này thế cung trên dây Mi) Mì son lá Rề Son: 0:18
5. Sí sòn sí la Rề mì sòn (sòn này vỗ và nhấn đến La rồi nới tay ra) La 0:21
6. (Âm tuỳ tục Sòn la sí) 0:22 Sòn
7. Sòn la sí sòn la rế si
8. Rế (Nhấn đến Fa) La Fa#(Fa# này thế cung trên dây Mi) Mì lá rề (rề vỗ dây) mì Son.
Đoạn cuối bác ấy móc nhầm dây, lẽ ra dây G để dứt rao thì lại móc ngay vào dây E.
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc
#3
Dưới đây là 1 đoạn rao theo hơi Quảng do Nghệ sĩ Hải Phượng trình bày. Tuyệt hay. Các bạn lấy về nghe. Bạn cứ nghe khoảng 1 tuần. Tổng thời gian file rao là 1:20. Các bạn cố gắng nhận biết các vị trí rung, nhấn, thế cung, âm tuỳ tục, song thinh..v..v....chưa tập vào đàn vội. Bạn cứ cảm nhận ra tiếng Tranh bên cạnh tiếng Kìm là gần như thành công rồi. Mình sẽ chỉ cho các bạn 1 số mẹo để chinh phục bài rao Quảng này. Sau này khi chúng ta gặp những bài đàn rao rất nhanh loạn cào cào lên chúng ta vẫn nắm được cái căn bản của bài.
Hệ thống dây bài này: D - E - G - A - B , rung D và G, luyến E và B.
Link: http://www.mediafire.com/?lbdppdvdgllx24x
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc
#4
Một số bài đàn Tranh của bác Phạm Thái Nấng thu năm 2010, góp vui cùng diễn đàn:



















 

 
Muốn tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc


Có thể liên quan đến chủ đề...
Chủ đề: Tác giả Trả lời: Xem: Bài mới nhất
  Hình ảnh những cây đàn cùng họ với đàn Tranh (Châu Á) saotruc 25 67,688 03-10-2024, 03:08 PM
Bài mới nhất: lehuuhung
  ÂM NHẠC DÂN TỘC ( ĐÀN TRANH ) truongtailinh1993 39 98,273 03-05-2019, 10:16 AM
Bài mới nhất: lehuuhung
  Bán lại đàn tranh ở Sài Gòn daquihoa 0 6,369 03-14-2017, 09:12 AM
Bài mới nhất: daquihoa
  Tìm. Sáo Trúc+ Đàn Tranh+ Đàn nhị đi Biểu DIễn tại Cần thơ ngày 10-> 13/1 dinhhung1841994 0 5,716 12-27-2016, 03:25 PM
Bài mới nhất: dinhhung1841994
  Báo danh ĐÀN TRANH lonsualangxang 172 412,367 12-20-2016, 03:11 PM
Bài mới nhất: TrangDi
  Tìm chỗ dạy đàn tranh ở Đà Nẵng chinhducnguyen 1 9,715 08-18-2016, 10:55 PM
Bài mới nhất: lilochin123
Heart Dạy học dàn tranh ở Đà Nẵng lilochin123 0 8,452 06-16-2016, 01:25 PM
Bài mới nhất: lilochin123
  Xin sheet Mùa thu quê hương - đàn tranh Tuổi thơ 0 6,339 01-29-2016, 08:02 PM
Bài mới nhất: Tuổi thơ
  Bán Đàn Tranh Trung Quốc 6 Triệu myhanh 0 6,717 10-23-2015, 07:07 PM
Bài mới nhất: myhanh
Music Bài tập đàn tranh-thuylinh thuylinh 13 36,746 07-30-2015, 10:34 PM
Bài mới nhất: thuylinh

Di chuyển nhanh:


Những người đang xem chủ đề này: 1 khách