Theo học cô Bảo - kỳ 2
Xin chào quý khách! Đăng nhập Đăng kí

Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Đánh giá chủ đề:
  • 3 Votes - 3.67 Average
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Theo học cô Bảo - kỳ 2
#1
Chúc mừng năm mới mọi người. Đây là bài viết đầu tiên của Nhật sau Tết về Đàn Tranh, mong mọi người ủng hộ nhé!

À quên, trước tiên phải chúc bà con năm mới Mã Đáo Thành Công, Âm nhạc Dân Tộc phát triển như Ngựa Phi Nước Đại.

Lần trước dừng lại ở việc mua đàn. Đàn đã có, thầy cũng đã chọn, thế là bắt đầu con đường học đàn đầy thú vị nhưng không kém gian lao...

Buổi học đầu tiên, Minh Nhật "không biết một nốt Đồ!" Đó là cụm từ cô Bảo hay dùng để miêu tả những ngày đầu tiên vào học của mình. Thật sự lúc đấy là năm 11, không biết đến âm nhạc, không biết nốt Đồ là gì (giờ thì biết rồi). Ngày đầu tiên đi học, mang hẳn cả một cuốn tập mới để ghi chép, mang cả bút viết để tiện tay ghi lại những lời cô dạy, nhưng hỡi ôi, nào dùng tới? Học đàn thì trong giờ học chỉ có đeo móng vào và tập thôi! Thế là buổi học đầu tiên vẫn còn nhớ mãi với 2 ngón: ngón đẩy và ngón kéo (ngón 1 và ngón 2 ấy.).

Sau khi đi học về liền lấy ngay cây đàn ở nhà ra tập lại không kẻo quên. Thể là đẩy đẩy kéo kéo trên cây đàn và thấy rất thích thú với âm thanh trầm ấm, mộc mạc của cây đàn tranh Việt Nam....

.... Một tuần sau, đến tiết học lại mang theo móng đi, tập lại bài tập cô cho. Không hiểu sao do tiếp thu nhanh hay sao mà cô cho học ngay luôn bài “Inh lả ơi”: Inh lả a ơi.. Sao nọong i ời... Khắp núi rừng... Bài học đầu tiên chỉ có bốn nốt, nhưng là bài học trẻ con nhất, êm ái nhất và cũng là một trong những bài học nằm trong danh sách rất thích của mình. Khi về là cứ Inh lả a ơi.. Sao nọong i ời.... Cứ mãi thế cho đến khi thuộc lòng bài hát ấy trong đầu và đánh ra hoàn chỉnh.

Đến hôm sau trả bài, đánh "Inh lả ơi", được cô khen ngay là giỏi bởi học rất nhanh; thường bài này đến buổi thứ 3 học viên mới được cô dạy, đây thì trò này buổi thứ hai đã có thể học rồi. Sau đó hai thầy trò cùng đánh "Inh lả ơi", và cuối cùng, cô xuất chiêu! Chỉ với 4 nốt Rê La Đô Rê mà cô dùng cả hai tay, tạo nên một bản nhạc vô cùng sáng tạo. Tới bây giờ cũng mới chỉ nghe được một lần, nào là rung, nhấn, vỗ, Á, quãng tám, tay trái, vân vân và vân vân... Không thể nào quên được sự trầm trồ và kinh ngạc của mình đối với cô! Thật sự bản nhạc ấy rất rất rất hay, và chỉ gói gọn trong vòng 4 nốt nhạc!

Khi về đến nhà, mình cứ thích mãi cách đánh ấy của cô. Thừa biết rằng trình độ lúc ấy không thể nào đánh như vậy được, nhưng lại rất muốn được cô chỉ cho bài đánh ấy, vì nó mang một sức cuốn rất diệu kì. Thật sự, âm nhạc trong cuộc sống hằng ngày có những sức mạnh thần kì, khiến con người ta say mê, dốc hết bầu nhiệt huyết mà chung vui cùng bản nhạc, cây đàn. Vậy là Nhật ta về nhà cũng “bày đặt” giống cô Bảo, cũng thêm nốt này nọ, đổi nhịp (tất nhiên đều là những thêm thắt dễ, và tất cả đều dựa trên sự say mê và niềm hưng phấn chứ lúc ấy chưa có biết nhịp phách gì cả, cứ thích sao đánh thế thôi). Hôm nào cũng lấy đàn ra tập, tập cả bài cũ và bài mới, cả cái bài mình thích thú chế tác ra, để khoe với cô trong tiết học tuần sau....

Nhưng bên cạnh đó, mình có một suy nghĩ rất lạ. Mình rất rất thích đàn tranh, và trở nên gần như con nghiện với nhạc cụ dân tộc này. Hôm nào cũng lên mạng nghe về âm nhạc dân tộc, search Google tên cô Bảo,.. và bắt đầu có một cái nhìn khái quát nhất định về ngành âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện nay. Và có một suy nghĩ cứ ám ảnh cậu bé lớp 11 lúc ấy: “Muốn được giỏi, muốn đánh được như cô Bảo”. Cái suy nghĩ ấy cứ quanh quẩn trong đầu, không nguôi dứt, và nó bay lòng vòng trong đầu cũng chỉ là quyết định xem có nói với cô không. Và cuối cùng cũng đã hỏi cô Bảo.

Hôm ấy vào học, trước khi ra về, cuộc trò chuyện của 2 cô trò bắt đầu:
Nhật: Cô ơi, con muốn được học chuyên nghiệp, được đánh giống như cô có được không cô?
Cô Bảo: Nhưng mà khó lắm đấy, có theo được không?
Nhật: Dạ khó cách mấy cũng theo được ạ.

Và lúc này đây, Nhật mới chính thức bước vào sự nghiệp đàn tranh và quyết tâm, lấy đàn tranh là một trong những nghề tay trái của mình. Mỗi lần gian lao đến, đã có 3,4 lần muốn bỏ học, nhưng lại nhớ đến cái câu “thề” hôm ấy : “Dạ khó cách mấy cũng theo được ạ", là lại hạ quyết tâm học tiếp cho đến thành tài.

Từ hôm ấy, cách dạy của cô Bảo khác hẳn. Cô giải thích nhiều hơn về các âm, các hơi, như rung để mềm mại thêm,...; chỗ này cảm xúc là gì, người viết đang diễn tả gì; ngón này cao quá, phải gọn lại, ngón kia đục quá, sửa lại cho nét hơn, bén hơn mà phải ngọt; nhịp phách sai rồi, phải về tập lại; cảm xúc đâu??!! đánh đàn mà không có cảm xúc là nhất quyết không được, vì mục đích cuối cùng của âm nhạc là diễn tả hơi thở của cuộc sống trên nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau; và còn rất rất rất nhiều bài học về nhân cách sống được rút ra từ những ngón đàn của cô.

Kỳ 2 này muốn nhắn nhủ với các bạn học đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung một điều: mọi việc trong cuộc sống đều vô cùng khó khăn. Không có con đường nào đến thành công mà trải hoa hồng khắp chốn, và nếu bạn đang tiến đến mục tiêu cuộc đời mình mà đi trên một con đường êm ái, thì bạn đang đi sai đường rồi! Con đường đến thành công là vô cùng “vất vả và gian lao” (Tố Hữu), là vô cùng khó khăn, và chỉ có người luôn mang trong mình một Ý Chí Sắt Đá mới có thể thành công và làm nên việc lớn!

Hẹn kỳ 3 vài hôm tới, chân thành cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc nhé!
#2
Hơ...mình đánh giá chủ đề là 4 sao nhưng lỡ tay lick trúng 1 sao, và ko cho đánh giá lại, Sorry Nhật nhé Sad
#3
Hy Hy. Cảm ơn bạn nhiều. Số sao không quan trọng đâu bạn ơi. Chính comment của bạn đã là một cái vote tầm 5 sao rồi Big Grin Cảm ơn bạn nhiều nhé.

Have a nice day!


Có thể liên quan đến chủ đề...
Chủ đề: Tác giả Trả lời: Xem: Bài mới nhất
  Theo học cô Bảo - kỳ 1 lonsualangxang 3 7,840 01-25-2014, 12:11 PM
Bài mới nhất: dankim

Di chuyển nhanh:


Những người đang xem chủ đề này: 3 khách