Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Vọng cổ

Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Phiên bản đầy đủ: Vọng cổ
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Mình gửi trước ký âm 2 câu vọng cổ dây Kép (Hò = G): Câu 1 và câu 2 dành cho Guitar phím lõm.
Link tài liệu: http://dacohoailang.com/khaltt/tailieu/cau12chitam.pdf

@Anh chị em học đàn:
Mình xin ghi chú những ký hiệu quan trọng, các bạn cần nhớ kỹ khi tập:
1. 5 dây lên như dây Lai ta vẫn chơi (D - A - D - G - D) lấy dây 1 = D (Tức là dây mảnh nhất của Guitar Tân nhạc đang lên là E (Mí) thì ta hạ xuống 1 tông thành D (Rê).

So dây:
Dây 1 = D
Dây 2 bấm ngăn 5 = dây 1
Dây 3 bấm ngăn 7 = dây 2
Dây 4 bấm ngăn 7 = dây 3
Dây 5 bấm ngăn 5 = dây 4
Dây 6: Bỏ chưa dùng đến.
Như vậy ta có hệ thống dây khảy buông không từ dây 1 (cao) xuống dây 5 (thấp) là : Rế - La - Rê - Sòn - Rề.

2. Chữ Xang: Ngăn 3 dây 2 thì ta rung C, cái C này thì chỗ nào mình ký hiệu là ~ thì rung nhẹ, nhấn nhẹ. Cái C nào có 2 ký hiệu là ~ chồng lên nhau thì ta rung mạnh hơn chút nữa. Cái C nào mà có chữ full là ta nhấn từ C lên D và vừa rung vừa nới tay ra khi cao hơn C và thấp hơn C# là OK.

3. Chữ Xư: Ngăn 2 dây 2 nếu không có gì thì ta bấm bình thường. Nếu gặp số 1/2 3/4 thì ta nhấn lên bằng C rồi khảy móng rồi ta nới tay ra chút xíu. Tất nhiên là không phải lúc nào cũng thế, tùy theo các bạn nhé.

4. Cái chữ luyến từ Cồng lên Liu: Trong bản ký âm mình quy ước là dấu luyến có 1 gạch nối dưới dấu luyến bắt đầu từ ngăn 2 đến ngăn 5 dây 1: Chỗ này thì có thể các bạn bấm 1 ngón vào ngăn 2, khảy móng rồi vuốt ngón xuống ngăn 5. Hoặc có thể bấm ngón 1 vào ngăn 2, khảy móng rồi chặn ngón 3 vào ngăn 5. Tất nhiên là không phải lúc nào cũng thế, tùy theo các bạn nhé.

5. Cái chữ luyến Liu Xứ Liu: Trong bản ký âm mình quy ước là dấu luyến có gạch nối dưới dấu luyến từ Liu lên Xứ có số 1/4 và mũi tên gạch đứt từ Xứ về Liu.
Kính tặng các bạn. Có gì mắc mớ không hiểu thì các bạn hò hét vào đây nhé. Khi bạn tập được rồi thì biến hóa lung tung đi cho nó hay, thêm vô, bớt ra, đàn mau, thưa v..v...
Mình ký âm bản này từ 14 tháng 5 năm 2010, mỗi tối làm 1 chút, giờ đã xong được có 2 câu thôi.
Lê Hữu Hùng.

Anh Hùng có thể giải thích rõ thêm một chút phần giải thích dành cho "@Anh chị em học đàn" của anh ở trên được không ạ.Sorry anh về trình độ mù tịt về guitar phím lõm của em nhưng đọc sheet nhạc và tab dành cho guitar trong link của anh gửi thì còn hiểu mập mờ,còn đọc lời giải thích của anh thì hết hiểu luôn.

Cụ thể như sau:
1) Đề mục 1 là anh nói về cách lên dây đàn.Cái này thì cũng có thể cố gắng hiểu được.Nhân tiện anh có đề cập đến guitar tân nhạc cho em hỏi không biết có thể dùng guitar tân nhạc để đánh theo sheet của anh ghi được không ạ.Em cũng biết lõm bõm guitar tân nhạc nên nếu anh có thể đánh mẫu theo sheet và post clip lên để học theo thì cảm ơn anh nhiều lắm.

2) Các mục từ 2 đến 5 em nghĩ nếu anh đã mất công kí âm theo hệ thống Đồ Rê Mi của Tây Phương(có kèm theo cả tab guitar) thì anh có thể giải thích dựa trên hệ thống kí âm Đồ Rê Mi cho dễ hiểu hơn một chút không anh.
Còn nếu anh giải thích theo hệ thống kí âm ngũ cung thì cũng được nhưng anh có thể cho ví dụ cụ thể như ở dòng nào,khuôn nhịp(measure) thứ mấy nên đàn như vầy,như vầy thì có lẽ sẽ dễ hiểu hơn anh ạ.

Cám ơn anh đã share sheet nhạc cho mọi người.

@ngocle: Bạn thân mến !

1. Không thể dùng Guitar Tân nhạc để chơi được, cao độ lên dây khác, đường kính dây khác, không khoét lõm nên không nhấn nhá rung gì được và rất nhiều bất lợi khác. Vấn đề clip đàn thì OK tạm thời bạn cứ nhẩm cái giai điệu đi của bản đã nhé, mình đang nợ Lê Hồng Sơn vụ đàn Gáo nên tốn khá nhiều thời gian cho vụ đó.

2. Với bản Vọng cổ cung hò Nhất thì chúng ta lấy nốt G làm chữ Hò. Có nhiều tên gọi cho cung hò Nhất . Ăn vào dây buông của dây Tiểu (dây nhỏ) của đàn Kìm là G nên gọi là cung hò Nhất. Tên gọi trong Guitar phím lõm là chúng ta đang đàn tông Kép. Ví dụ khi người ca lên ca họ nói với chúng ta: "1 kép, 2 đào, Lý sâm thương đào chuyển qua kép 5 6" là chúng ta tóm ngay cái tông là Vọng cổ câu 1 đàn dây Kép, câu 2 đàn dây Đào, Lý sâm thương đàn dây Đào, vọng cổ câu 5 và câu 6 đàn dây Kép.

3. Mình phân tích 4 nhịp đầu tiên: Từ nhịp số 1 đến cái son đen ở đầu ô nhịp số 5: (Tức là Hò 20 )
Khi người ca ca câu nói lối:
" Nghe nắng ấm phương Nam xa xôi mà lòng người khắc khoải, có phải chăng câu ca cổ ngày xưa còn lay động đến bây....giờ" (Hò 16)
Thì người ta dứt câu ".........giờ" thì bạn đàn từ cái ô nhịp số 1, chúng ta xướng âm Tân nhạc như sau:

Sòn...sòn ..sòn..sỏn..(Sòn)
đô rung rê són mi rế đố nhấn đô rung (Rề)
rề són fa rề son sib (Rế)
rê són đô rung rề fa són fa đồ rung sìb (Son) (Hò 20).

Những cái nốt nhạc mà trong cái ngoặc trên đây là ta đàn trúng nhịp . Sau này ta đàn giỏi rồi thì ta bỏ đi chỉ giữ lại cái Rề (đầu ô nhịp số 3) và cái Sòn (đầu ô nhịp số 5) ăn vào nhịp là OK.

Với cung hò Nhất thì ta gọi như sau:
Son = Hò
La = Xư , La# (Sib) là Y (không quy định cố định)
Đô = Xang
Rê = Xê
Mí = Cống
Fa, Fa# = Phan (không quy định cố định)
Són = Hò = Liu. Bạn tự tìm được tên nốt nhạc Tân nhạc và Cổ nhạc theo cấu trúc trên suốt cần đàn.

Bạn tập 1 đoạn xướng âm Cổ nhạc từ ô nhịp số 1 đến chữ Son đầu nhịp số 5 như sau:
Lìu...lìu ..lìu ..lìu..lỉu (Lìu) (Son ở đầu ô nhịp số 2)
xàng xê líu công xế xãn xang (Xề)
xề xề (tremolo) líu phan xề liu y (Xế)
xê líu xang xề phan líu phan xàng ỷ (Liu) (Son ở đầu ô nhịp số 5)
Cám ơn anh Hùng về bài giải thích khá cặn kẽ của anh,nhờ bài viết em cũng hiểu mập mờ được cách đàn của guitar phím lõm,xin chờ clip của anh nhé.
Nếu được hi vọng trong clip anh không chỉ đàn liên tục từ đầu đến cuối mà có thể hướng dẫn thêm một số cách đánh của guitar phím lõm nữa thì thật tốt.
Anh cho em hỏi thêm là :
> Fa, Fa# = Phan (không quy định cố định)
> La# (Sib) là Y (không quy định cố định)
⇒"không quy định cố định" ở đây nghĩa là sao anh ?

Em sẽ tập xướng âm theo ngũ cung thử xem sao.
Cám ơn anh nhiều.Chúc anh mau chóng thanh toán hết nợ nần vụ đàn Gáo nhé,hihi.
@ngocle:
2 cái âm này không có quy định cao độ rõ ràng, nó là một quá trình biến thiên từ âm cao xuống âm thấp hoặc từ âm thấp lên âm cao.
Phan: Hoặc là Fa, hoặc cao hơn Fa thấp hơn Fa# hoặc từ Fa đi lên Fa# hoặc từ Fa# đi về gần tới Fa hoặc biến hoá lung tung đi chứ không quy định cứng là phải là Fa hay là Fa# gì cả.
Nhưng giới hạn MIN MAX của chúng thì rất rõ ràng là cao hơn Mi và thấp hơn Son.

Y: cũng thế, tự suy luận. Xu hướng chung của cái chữ Y là rất hay đi từ cao về thấp sẽ mùi ngay.

Tổng quát là: So sánh tương đối cao độ của Cổ nhạc với Tân nhạc:
Đàn phô thì Trúng, đàn đúng thì Trật.

@ngocle:
Bạn vào link này lấy Audio về nghe câu 1 câu 2 dây Kép do Nghệ sĩ Chí Tâm đàn rồi bạn đàn theo.
Link: http://www.mediafire.com/?d15lmjixws2rk36
Dạ em cám ơn anh Hùng nhiều ạ.Để em download về nghe thử xem sao.
@ngocle:
Mình tập chậm một láy đờn Vọng cổ dây Kép này, bạn tham khảo xem sao. Nếu bạn tập được khúc này và thêm vô bớt ra cho luyến láy cho hay thì mình sẽ làm tiếp các khúc sau, vụ này tốn thời gian lắm.



Cám ơn anh Hùng nhiều nha ! Anh đàn hay ghê ! Không biết chừng nào mới có thể đàn được một phần như anh nữa,hihi.Chúc anh luôn thành công và tìm được nhiều niềm vui hơn nữa khi tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc để có thể chia sẻ kiến thức cho anh em trong diễn đàn nhé !