Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Đôi nét giới thiệu về cây đàn tỳ bà Việt Nam

Đam San.net -Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Phiên bản đầy đủ: Đôi nét giới thiệu về cây đàn tỳ bà Việt Nam
Bạn đang xem phiên bản rút gọn. Bạn có thể xem bản đầy đủ.
Đôi nét giới thiệu về cây đàn tỳ bà Việt Nam:
Tỳ bà là nhạc khí du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử, ông cha ta đã dần tạo lập ra phong cách riêng cho tỳ bà Việt Nam, làm phong phú thêm cho nền âm nhạc cổ truyền nước nhà.
[Hình: DSC00445.jpg?t=1348577180]
Đàn tỳ bà có nguồn gốc xuất xứ từ vùng Trung Á, du nhập qua Trung Quốc bằng con đường tơ lụa, rồi vào Việt Nam. Đàn tỳ bà đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu, căn cứ vào những bức phù điêu chạm khắc hình người chơi đàn tỳ bà tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh, giáo sư Trần Vân Khê và giáo sư tiến sỹ Tô Ngọc Thanh đã cho rằng từ thời Lý (1010-1225) cây đàn tỳ bà đã có ở Việt Nam. Đàn tỳ bà thường xuất hiện trong dàn nhạc cung đình, phục vụ vua chúa, quan lại và tầng lớp quý tộc.
[Hình: nhaccongPhatTich.jpg]
(ảnh: phù điêu hình nhạc công tỳ bà)
Cho đến giữa thế kỷ thứ 20, cây đàn tỳ bà chính thức được đưa vào giảng dạy tại Trường âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là một trong tám nhạc cụ chính của khoa nhạc cụ cổ truyền. Người học đầu tiên và có rất nhiều công cải tiến và giảng dạy cây đàn tỳ bà, đưa cây đàn tỳ bà tiếp cận âm nhạc hiện đại là NSND Mai Phương.
Trong dàn nhạc dân tộc, cây đàn tỳ bà thuộc bộ gảy, có 4 dây và 18 phím, âm vực của cây đàn tỳ bà khá rộng, có thể chơi được tất cả các thể loại âm nhạc từ dân gian đến hiện đại. Hệ thống âm thanh của cây đàn khá dày và có rất nhiều các kỹ thuật tiên tiến như nhấn nhá, luyến láy, phi, vê đơn, vê kép, vê 5 ngón và các loại hợp âm. Trước kia cây đàn tỳ bà được đánh bằng dây tơ, nay dây đàn tỳ bà đã được thay bằng dây nilon guitar. Phím đàn tỳ bà của Việt Nam sâu, âm thanh trầm ấm, thánh thót. Chính vì thế, đàn tỳ bà có thể chơi được rất nhiều các thể loại âm nhạc từ dân gian đến hiện đại và một số tác phẩm nước ngoài.
Cách chơi đàn tỳ bà:
1. Lên dây: Đô – Fa – Sol – Đố.
2. Tư thế chơi đàn: Ngồi thẳng thoải mái, hai chân vắt chéo lên nhau, đàn để chính giữa lòng theo chiều thẳng đứng.Tay phải cầm móng gảy, cổ tay cong, mềm mại, móng luôn vuông góc với dây đàn, gảy lên xuống đều đặn, cự ly gảy ở giữa ngựa và phím cuối cùng. Tay trái: Ngón cái để nhẹ trên lưng đàn, các ngón còn lại đươc quy định như sau: Ngón trỏ là ngón 1, giữa 2, áp út 3, út 4. Bấm bằng đầu các ngón tay gọi là ngón đứng. Khi sử dụng hợp âm hoặc đánh 2 dây trở lên thì sử dụng ngón nằm. Các ngón phải rất mềm mại, linh hoạt, bấm trên phím đàn (không bấm vào đỉnh phím). Khi chuyển cữ thế tay thì chỉ được di chuyển một lần. Hai tay phối hợp với nhau thật chính xác, mềm mại linh hoạt.
[Hình: IMG271.jpg?t=1348577030][Hình: IMG269.jpg?t=1348577064]
(ảnh: tư thế chơi đàn, mẫu là chị Lam, mới tập buổi đầu nhé các bạn Big Grin)
3. Một số kỹ thuật cơ bản của tỳ bà: Tay phải: Phi, vê đơn, vê kép, vê 5 ngón,… Tay trái: nhấn nhá, luyến láy. Kết hợp chuẩn xác 2 tay để đánh hợp âm (sử dụng ngón đứng, ngón nằm hoặc kết hợp cả hai).
Tác giả bài viết: Nhóm giảng viên đàn tỳ bà.
Thực hiện: SapinT (Thông).